Đưa văn học nghệ thuật thành mảnh ghép của công nghiệp văn hóa
Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng. Theo các chuyên gia, cần có cú hích từ cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng, phát triển đồng bộ, đưa lĩnh vực này trở thành mảnh ghép hoàn hảo của công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
“Rụt rè” khẳng định giá trị kinh tế
Một trong những chức năng quan trọng của văn học, nghệ thuật là đáp ứng nhu cầu giải trí, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ; bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, hình thành sức mạnh mềm cho dân tộc. Bên cạnh đó, những lợi ích kinh tế mà văn học, nghệ thuật đem lại cho mỗi quốc gia ngày càng trở nên quan trọng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn dẫn thống kê, tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế sáng tạo luôn cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các quốc gia. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Theo đó, các ngành công nghiệp văn hóa (gồm các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Ví dụ, tổng doanh thu màn ảnh Việt năm 2019 là trên 4.100 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018. Các phim điện ảnh Việt Nam chiếm 29% doanh thu, với ước tính khoảng 1.150 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD, tăng trưởng hơn 40% so với mốc 800 tỷ đồng của năm 2018). Điều này cho thấy tiềm năng kinh tế của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù chúng ta có nỗ lực và thành công nhất định (năm 2019 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 3,61% GDP so với mục tiêu 3% đến năm 2020) nhưng các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới chưa nhiều. Tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, “sớm nở tối tàn”; các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh...
Tại Hà Nội, địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa và khai thác phát huy tiềm năng văn hóa, theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, hoạt động khai thác giá trị văn hóa tạo ra nguồn lợi kinh tế còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Số lượng rạp chiếu phim phong phú nhưng chỉ một vài rạp đông khách. Trong số các di sản văn hóa phi vật thể, mới chỉ có rối nước hút người xem. Hệ thống nhà hát tuy nhiều nhưng đa phần vắng khách, hoạt động khó khăn. Lĩnh vực văn học nghệ thuật hoạt động kinh tế chưa rõ nét.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định: Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, thì văn học, nghệ thuật vẫn còn khá “rụt rè” trong việc khẳng định giá trị hàng hóa của mình. Thứ hai là thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này.
Bên cạnh đó, sự phối hợp công - tư cũng chịu nhiều cản trở, trong đó có cả việc thiếu niềm tin lẫn nhau và sự hỗ trợ chính sách. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền hay của chính các doanh nghiệp tương tự trong mạng lưới sáng tạo...
Gây dựng thị trường, ươm mầm sáng tạo
NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, để có động lực phát triển thì các lĩnh vực văn học nghệ thuật phải gây dựng được thị trường vững chắc, bởi đó là yếu tố tạo nền tảng cho nền công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện. Khi đã có được thị trường, các nghệ sĩ cần tạo uy tín về chất lượng tác phẩm; nâng tính chuyên nghiệp, ứng dụng sâu hơn thế mạnh của công nghệ để thương mại hóa sản phẩm. Mỗi tác giả tìm tòi, đổi mới, sáng tạo tác phẩm có định hướng lành mạnh, gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Còn theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ; khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Đồng thời, thực hiện chính sách đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhà nước kiến tạo hành lang pháp lý để quản lý tốt thị trường văn hóa; tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời cũng có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ văn hóa, sáng tạo, giúp những doanh nghiệp này khởi nghiệp và phát triển.
Thị trường phát triển sẽ đi liền với nạn xâm phạm bản quyền. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Song, để đạt hiệu quả, chính các tác giả cũng phải đề cao trách nhiệm trong đấu tranh với nạn sao chép để khẳng định giá trị lao động nghệ thuật của nghệ sĩ chân chính, tạo sự minh bạch cho đầu ra của tác phẩm.
Với những chủ trương, chính sách đồng bộ phát triển văn học, nghệ thuật theo hướng tiếp cận của công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia kỳ vọng văn học, nghệ thuật sẽ có sức sống mới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đóng góp vào phát triển đất nước bền vững.