'Dựa vào Dân, lấy Dân làm gốc' - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Trao đổi về kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh LÊ VIỆT TRƯỜNG khẳng định, các quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị đều thể hiện rất rõ tư tưởng 'dựa vào Dân', 'lấy Dân làm gốc', xây dựng 'thế trận lòng dân', lấy 'yên dân' là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có Dân ủng hộ là có tất cả
- Thưa ông, Hội nghị Trung ương 8 vừa xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương từ nay đến hết nhiệm kỳ. Ông nhận định như thế nào về kết quả Hội nghị?
- Hội nghị Trung ương 8, Khóa XIII đã thể hiện sự đồng thuận rất cao của Trung ương về các vấn đề quan trọng của đất nước, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài những nội dung về kinh tế - xã hội, Trung ương đã cho ý kiến kết luận những vấn đề có ý nghĩa lâu dài, như chính sách xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đội ngũ tri thức, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIV.
Một trong những yếu tố quan trọng, xuyên suốt là các quyết sách của Hội nghị lần này đều thể hiện rất rõ tư tưởng “dựa vào Dân", "lấy Dân làm gốc”, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các quyết sách, nghị quyết của Trung ương tại Hội nghị lần này và các Nghị quyết quan trọng khác của Đảng ta luôn lấy mục tiêu vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Vì vậy, các nghị quyết của Đảng hoàn toàn đáp ứng được sự kỳ vọng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta, thể hiện sâu sắc ý Đảng - lòng dân.
- Một trong nội dung quan trọng của Trung ương tại Hội nghị lần này là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Theo ông, đại đoàn kết có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn phát triển mới hiện nay của đất nước?
- Đại đoàn kết dân tộc vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Người dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đây cũng là động lực, kết nối và tạo nên sức mạnh vô địch của toàn dân tộc.
Tuy nhiên, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, quyền làm chủ thực sự của nhân dân.
Trước bối cảnh tình hình mới hiện nay, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của con người Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Đặc biệt, thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chính là động lực, là chìa khóa quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.
Thực tiễn cho thấy, trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện chỉ có mở rộng dân chủ XHCN mới có đoàn kết thật sự bền vững. Trong đó, cần phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và chủ động hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, thực hiện thưởng phạt công minh. Tôi cho rằng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh các sai phạm hiện nay cũng là một yếu tố quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Có Dân ủng hộ là có tất cả.
Lựa chọn người tiêu biểu nhất trong những người tiêu biểu
- Tại Hội nghị, Trung ương đã cho ý kiến về Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV. Như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Ông kỳ vọng gì với công tác này?
- Điểm mới của công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 đó là, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Đây là quan điểm xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là thái độ kiên quyết của Người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là phải lựa chọn được những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bởi mọi việc thành công hay thất bại đều do công tác cán bộ. Theo dõi và rà soát kỹ lưỡng, chặt chẽ, sát sao để lựa chọn được những cán bộ tiêu biểu nhất trong số những người tiêu biểu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ. Đặc biệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.
Tôi cho rằng, với công tác cán bộ cũng cần tranh thủ lấy ý kiến của Nhân dân, song cần rất “tinh” và chọn lọc, phải lựa chọn những ý kiến xác đáng nhất và mang tính xây dựng để đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ.
- Xin cám ơn ông!