Đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế

Khoảng 2 năm nữa, giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Từ đó, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế cũng sẽ dần được hiện thực hóa.

Thi công lắp dựng kết cấu thép mái của công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Thi công lắp dựng kết cấu thép mái của công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Sân bay Long Thành là “siêu” dự án của đất nước và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tăng tốc trên đại công trường

Giữa tháng 8 vừa qua, hạng mục lắp dựng kết cấu thép mái đầu tiên của công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được các nhà thầu triển khai thi công. Công trình nhà ga hành khách là hạng mục quan trọng bậc nhất và được xem là “trái tim” của Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Với tổng mức đầu tư khoảng 35 ngàn tỷ đồng, đây cũng là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án. Chính vì vậy, việc lắp dựng kết cấu thép mái đầu tiên của công trình nhà ga hành khách cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ hoàn thành chung của toàn dự án.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc thi công lắp dựng kết cấu thép của công trình nhà ga hành khách sẽ được các đơn vị thi công tăng tốc thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, phần mái thân chính sẽ được lắp dựng từ tháng 9-2024.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Dự án Sân bay Long Thành quan trọng vì nó tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Đồng Nai nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung. Dự án mang lại kỳ vọng Sân bay Long Thành sẽ là một trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại của khu vực.

Được khởi công vào đầu năm 2021, giai đoạn đầu, công tác thi công Dự án Sân bay Long Thành gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi công, đến nay chủ đầu tư và các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực và lấy lại tiến độ ở các gói thầu chính.

Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc ACV, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành, cho biết hiện nay, tiến độ của các gói thầu tại dự án đang được đảm bảo theo kế hoạch, trong đó 2 gói thầu quan trọng là nhà ga hành khách và đường cất - hạ cánh đều đang thi công vượt tiến độ. Trên công trường, các nhà thầu đã huy động hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư, công nhân cùng với hàng ngàn trang thiết bị để phục vụ thi công.

“Riêng với gói thầu thi công đường cất - hạ cánh, sân đỗ máy bay dự kiến sẽ về đích vào ngày 30-4-2025, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng đã ký kết” - ông Việt cho hay.

Cuối tháng 8-2024, Bộ Giao thông vận tải đã có thông tin chính thức về tiến độ Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Dự án sẽ được rút ngắn tiến độ hoàn thành so với hợp đồng để sớm đưa vào khai thác.

Chuẩn bị khai thác “siêu” sân bay

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho hay, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành và chạy thử trước ngày 31-8-2026. Ngày 2-9-2026, Sân bay Long Thành sẽ đón chuyến bay thương mại đầu tiên.

Chính vì vậy, ACV hiện đã bắt tay chuẩn bị cho công tác khai thác Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trong tháng 8-2024, ACV đã mở thầu gói thầu tài chính của gói thầu tư vấn về khai thác Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

“Gói thầu đã thu hút sự quan tâm tham gia của các nhà thầu quốc tế rất mạnh đến từ các nước Pháp, Canada, Đức và Hàn Quốc. Đây là các nhà thầu lớn của thế giới” - ông Thanh cho hay.

Đầu tháng 8-2024, trong chuyến kiểm tra thực tế công trường Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nên Sân bay Long Thành đang được mong chờ để phục vụ việc đi lại của người dân. Do đó, chủ đầu tư, các nhà thầu phải đảm bảo thời gian vận hành đúng kế hoạch. Đồng thời, phải đảm bảo chất lượng công trình.

“Chất lượng công trình là quan trọng nhất”- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, để khai thác hiệu quả Sân bay Long Thành giai đoạn 1 cần sớm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 xây dựng xong thì phải kết nối được với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Từ đó, đưa Sân bay Long Thành trở thành trung tâm phát triển. Đừng để Sân bay Long Thành vận hành nhưng chưa có đường kết nối, như vậy sẽ không hiệu quả.

Liên quan đến việc kết nối hạ tầng Sân bay Long Thành giai đoạn 1, ngày 23-8, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Quy hoạch xây dựng khu vực 5 ngàn hécta sân bay kết nối.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu huyện Long Thành và các công ty tập trung triển khai các hạng mục công trình cấp điện, cấp nước cho Sân bay Long Thành bảo đảm tiến độ, chất lượng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối với sân bay như: đường 25B, 25C, 769, 770B, 773, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, cầu thay phà Cát Lái…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, các cơ quan chức năng của tỉnh cần lưu ý các vấn đề cấp thiết để tận dụng cơ hội phát triển khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác như: rà soát lại toàn bộ hệ thống giao thông kết nối sân bay; nỗ lực đầu tư, chuẩn bị trước một bước dịch vụ bên ngoài sân bay gồm dịch vụ lưu trú đáp ứng nhu cầu ăn ở, mua sắm của du khách như khách sạn, nhà hàng; dịch vụ kho bãi, logistics hàng không bên ngoài sân bay; dịch vụ du lịch…

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/dua-viet-nam-thanh-diem-den-hap-dan-tren-ban-do-hang-khong-quoc-te-c1621ad/