Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo
Nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là một trong những động lực đột phá phát triển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân, sứ mệnh kết nối…, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo.
Thưa Bộ trưởng, đổi mới sáng tạo có vai trò như thế nào trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, vừa là kế thừa 3 đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII đã đề ra, vừa bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trong đó, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được lồng ghép vào 3 đột phá chiến lược này.
Xuất phát từ tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, phải hình thành ngay một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hiện đại, đồng bộ, tầm cỡ khu vực và thế giới; làm sao xây dựng được một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, dẫn dắt, lan tỏa, đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên một nấc cao hơn trong chuỗi giá trị. Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm các nước, các nghị quyết của Trung ương, phối hợp với các công ty tư vấn hàng đầu thế giới để nghiên cứu xây dựng đề án thành lập trung tâm.
Khi lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, ý tưởng này được hoan nghênh và đánh giá cao. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vào ngày 2/10/2019. Đến nay, NIC đã tròn 5 năm tuổi.
Tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng sắp tới, trên tinh thần đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng sẽ được xác định là một trong những động lực đột phá phát triển. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tranh thủ được cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giúp Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước.
Sau 5 năm thành lập, theo đánh giá của Bộ trưởng, NIC đã để lại những dấu ấn gì trong việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo?
NIC là hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với sứ mệnh kết nối Nhà nước, doanh nghiệp, viện - trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp, start-up. Từ đó, dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Có thể nói, NIC ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều thách thức. Muốn đổi mới sáng tạo, phải có cơ chế đặc thù, cạnh tranh, nhưng lúc thành lập NIC chưa có các cơ chế như vậy. Vì thế, Chính phủ đã ban hành một nghị định riêng để điều chỉnh hoạt động của NIC theo hướng dành ưu tiên, hỗ trợ đặc thù cho NIC.
Mục tiêu của NIC không phải lợi nhuận, mà là cung cấp các dịch vụ phục vụ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt. Đó là tôn chỉ, phương châm của NIC từ khi hình thành, phát triển.
Hoạt động của NIC trong 5 năm qua gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đến nay, bước đầu đã có những thể chế cho đổi mới sáng tạo nói chung. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Bên cạnh đó, một số cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã được chuyển hóa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Về cơ sở vật chất, NIC đã hình thành 2 cơ sở. Một là, tòa nhà tại phố Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy, Hà Nội), hoạt động rất hiệu quả, được coi là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo tốt nhất Việt Nam hiện nay. Hai là, cơ sở tại Hòa Lạc, đã xây dựng rất quy mô với sự tài trợ của nước ngoài. Tại đây, 9 ngành công nghệ mũi nhọn ưu tiên lựa chọn đang dần hình thành.
Hoạt động của NIC rất mới. Trung tâm đang thực hiện đồng thời nhiều việc một lúc, bao gồm hình thành cơ chế, cơ sở vật chất, bộ máy… Trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất, NIC vẫn tổ chức các hoạt động kết nối, tư vấn, ươm tạo, hỗ trợ các start-up. Nhờ vậy, hàng trăm doanh nghiệp đã được hưởng lợi, nhất là trong hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu, song NIC không được thỏa mãn, bởi còn nhiều mục tiêu, thách thức lớn. Đó là làm sao phải trở thành trung tâm hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, kết nối với các trung tâm trong nước và quốc tế, là cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước với doanh nghiệp, viện - trường trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo.
Có thể nói, hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, được quốc tế đánh giá rất cao. Mô hình của NIC cũng được các đơn vị tư vấn đánh giá cao và muốn nhân rộng mô hình này ra các nước khác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các quốc gia.
Để thúc đẩy sự phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và của NIC nói riêng, chúng ta có chiến lược, kế hoạch như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển, trong đó có NIC, trước hết cần hình thành cơ chế, chính sách sao cho đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, làm sao vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, cơ sở vật chất phải được đầu tư hoàn chỉnh, bao gồm các trung tâm nghiên cứu, phòng lab (thí nghiệm), khu nhà ở cho chuyên gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thứ ba, là nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ tại NIC Hòa Lạc, trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ hydrogen… Những lĩnh vực này đang được NIC đẩy mạnh, trong đó tập trung nhiều cho công nghiệp bán dẫn với việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo.
Sắp tới, NIC còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là thực hiện, tổ chức các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là kế hoạch rất tham vọng, với mục tiêu từ nay đến năm 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn. Chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải khai thác triệt để. Nhu cầu hiện nay rất lớn, nhân lực đã có sẵn, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đào tạo đã đặt ra, giúp Việt Nam nhanh chóng vươn lên, tạo dựng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh đang ngày càng được cải thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục tham mưu Chính phủ nhằm cải cách thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Rất nhiều nhà đầu tư đã và đang lựa chọn Việt Nam làm điểm đến và sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dua-viet-nam-tro-thanh-diem-den-cua-doi-moi-sang-tao-d226111.html