Đưa vốn chính sách gần hơn với người nghèo
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, người nghèo và đối tượng chính sách xã hội ở Bắc Ninh có nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh ổn định và cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đây là những kết quả góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh trong những năm qua.
Mô hình sản xuất rau quả sạch của anh Nguyễn Đức Huy ở phường Cách Bi, thị xã Quế Võ đang được coi là điển hình trong khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Bắc Ninh. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp ngành kinh tế, anh Huy ấp ủ ước mơ có thể tự mình xây dựng 1 mô hình trồng rau sạch trên chính mảnh đất quê hương.
Sau nhiều năm đi làm thuê tại các trang trại, anh Huy đã dành thời gian nghiên cứu cách làm nông nghiệp tiên tiến để về tận dụng tại mô hình của gia đình. Năm 2022, anh Huy mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Quế Võ để khởi nghiệp với mô hình trồng rau theo tiêu chí VietGAP. Với nguồn vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là 1,6 tỷ đồng, anh Huy đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trên diện tích 5.000 m2 trồng các loài rau quả như: dưa lưới, dưa chuột, cà chua.
Sau 2 năm bắt tay và thực hiện, mô hình trồng rau quả sạch của anh bước đầu đã cho thấy "trái ngọt". Trung bình mỗi năm mô hình sản xuất của anh Huy đạt doanh thu khoảng trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Anh Huy cho biết, nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi này, việc khởi nghiệp của anh rất khó để thành công. Nhờ nguồn vốn này, gia đình đã mở rộng diện tích, xây dựng hạ tầng, đầu tư giống, phân bón. Khi chưa có nguồn vốn ưu đãi, diện tích sản xuất của gia đình khoảng 2.000 m2, lợi nhuận 1 năm khoảng 200 - 300 triệu đồng. Sau khi có nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ, gia đình đã mở rộng diện tích sản xuất nên thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, nguồn vốn này lãi suất thấp lại được vay trong thời gian cũng tương đối dài giúp cho người thụ hưởng yên tâm sản xuất.
Ở thôn Tổng Hóa xã Trung Kênh, huyện Lương Tài không mấy ai không biết đến mô hình phát triển kinh tế trang trại của gia đình anh Đoàn Văn Hùng. Từ nguồn vốn chính sách, gia đình anh Hùng đã thoát nghèo và phát triển bền vững mô hình kinh tế trang trại.
Với 100 triệu được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình đã đầu tư chuồng trại với 3.000 con gà giống nuôi thương phẩm. Đến nay, đàn gà đã cho xuất chuồng 3 lứa đem lại thu nhập ổn định.
Anh Hùng chia sẻ, nguồn vốn chính sách được giải ngân tới gia đình rất đúng lúc và rất hợp lý. Điều hợp lý hơn cả là mức lãi suất ưu đãi 5%/năm, mức ưu đãi này không tạo gánh nặng lãu suất cho hộ nghèo, tháo gỡ bài toán kinh tế đối với hộ nghèo.
Anh Huy, anh Hùng chỉ là 2 trong hàng ngàn trường hợp được thụ hưởng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại Bắc Ninh. Đó là minh chứng cho thấy, vốn chính sách thời gian qua đã trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo; đồng thời thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Ninh.
Đặc biệt, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đi vào cuộc sống, nguồn vốn chính sách đã đến gần hơn với người dân. Đó như một luồng sinh khí mới, thúc đẩy sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt với các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh. Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vào cuộc quyết liệt với mục tiêu nhanh chóng đưa chủ trương, quyết sách của Đảng đi vào cuộc sống.
Từ chỗ chỉ cho vay 2 chương trình là hộ nghèo và giải quyết việc làm, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 16 chương trình cho vay với doanh số cho vay hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn lượt hộ được vay vốn.
Tổng doanh số cho vay từ năm 2014 đến nay đạt trên 11.800 tỷ đồng, với gần 576.000 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt gần 8.000 tỷ đồng, bằng 67,4% doanh số cho vay. Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 98.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Đến 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Bắc Ninh đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng gần 2.300 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13% với hơn 76.000 khách hàng còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ khoảng 52,5 triệu đồng.
Với việc triển khai nghiêm túc bài bản, các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương về thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trên địa bàn. Hệ thống các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Toàn hệ thống đã thực hiện tốt việc điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định để làm cơ sở cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay kịp thời, đúng đối tượng.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh Đàm Lê Văn cho biết, mặc dù một số thời điểm gặp khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành liên quan, đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt những kết quả nổi bật. Nhờ nguồn vốn chính sách, người nghèo và đối tượng chính sách xã hội đã có nguồn lực đầu tư thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định và cải thiện cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Đây là những kết quả góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy công cuộc phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong những năm qua.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-von-chinh-sach-gan-hon-voi-nguoi-ngheo/340416.html