Đưa vốn chính sách về vùng lũ Yên Bái
Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc, chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu của bão số 3 (Yagi) và đợt mưa to, lũ lớn từ ngày 5 - 11.9. Cơn bão và mưa lũ đã gây tổn thất nặng nề về người và của cho nhân dân; để khẩn trương giúp bà con ổn định đời sống và sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng đang ráo riết chuyển vốn về các điểm bị ảnh hưởng...
Chung tay khắc phục
Về với Yên Bái những ngày này, mới thấy hết ý nghĩa từng việc làm của những cán bộ tín dụng chính sách đang hối hả đưa vốn về vùng lũ, giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách có vốn kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đã hàng tuần lễ, giám đốc các Phòng giao dịch NHCSXH Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu… rời trụ sở, lội bộ 5 - 6 cây số đường rừng lầy lội bùn đất để vào tận xã vùng sâu, vùng xa nhất; các cán bộ tín dụng cũng mang bên mình nào là cặp tài liệu, túi mỳ tôm, chai nước uống để ở lại vùng rốn lũ làm nhiệm vụ rà soát, xác định các khoản thiệt hại từ vốn vay NHCSXH và hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro.
Những hình ảnh này đã được bà con bản làng nhắc đến, kể lại với một tình cảm thân thương, quý mến. Nhờ thế, ngay sau khi bão lũ đi qua, hầu hết các điểm giao dịch xã của NHCSXH Yên Bái đã hoạt động trở lại. Các anh chị NHCSXH vừa tổ chức giao dịch, vừa tập trung ưu tiên nguồn vốn, tiến hành giải ngân nhanh nhất, tiện lợi nhất tới tận tay người bị thiệt hại do bão lũ.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thanh Hải xót xa, "thiên tai kinh khủng quá! Cơn bão đã làm sạt lở hơn 2.700 điểm ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, (riêng TP. Yên Bái có gần 1.000 điểm), gây thiệt hại nặng nề về người và của".
Đến nay, tổng thiệt hại của các hộ dân đang vay vốn chính sách lên tới 88,6 tỷ đồng với 3.001 hộ vay. Tính sơ bộ, vốn và nhu cầu vốn Yên Bái cần bổ sung cấp bách trong năm 2024 để khắc phục, khôi phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai là 442 tỷ đồng; bao gồm, nguồn tập trung vào chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cho vay sửa chữa, xây mới các công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội bị hư hỏng, đổ sập do mưa lũ tàn phá.
Nhanh chóng giúp dân tái thiết
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, bình thường vùng đất này là nơi hấp thụ vốn chính sách cao và sau thiên tai, nguồn vốn càng trở nên cần thiết.
Nhận định này càng đúng đắn hơn khi chúng tôi cùng Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ - Tín dụng chi nhánh Lê Thị Anh Đài đến dự phiên giao dịch sau lũ của NHCSXH tại xã Tuy Lộc (TP. Yên Bái). Khác hẳn với các phiên giao dịch thông thường, kỳ giao dịch này, NHCSXH không thu lãi của các hộ dân cho đến hết 2024.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái, NHCSXH tỉnh đã ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh số tiền 200 triệu đồng.
Thay vào đó, NHCSXH đã ưu tiên giải ngân hơn 1 tỷ đồng cho các hộ dân trên địa bàn xã, tập trung vào chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình giải quyết việc làm để giúp bà con sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống dù chưa nhận được nguồn bổ sung.
Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với sự hỗ trợ của NHCSXH, đồng bào bị ảnh hưởng sẽ mau chóng tái thiết cuộc sống. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành sẽ giúp Tuy Lộc sớm trở lại thương hiệu xã nông thôn mới đầu tiên của Yên Bái.
Rời Tuy Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trương Văn Hai ở thôn Ngòi Chang, xã Tô Mậu, cách tỉnh lỵ 100km. Hiện, ông Hai đang có khoản nợ 40 triệu đồng tại NHCSXH huyện Lục Yên và khoản nợ này càng trở nên khó khăn hơn với ông khi trận mưa lũ vừa qua, đã quật đổ hết vườn cam, đồi keo sắp đến kỳ thu hoạch và làm chết 3 con bò cùng 1 đàn lợn.
Cũng ở huyện Lục Yên, hộ nhà ông Nguyễn Văn Chương, ở xã Tân Lập cũng bị nước lũ cuốn trôi cả nhà ở, cửa hàng tạp hóa, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Cả huyện ước tính thiệt hại do bão lũ hàng chục tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên, Dương Quốc Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Trung ương và của tỉnh, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và vay vốn rà soát các khách hàng bị thiệt hại để áp dụng biện pháp xử lý rủi ro phù hợp, đúng quy định.
Đối với các hộ nghèo do bị thiệt hại bão lũ, khoản vay từ 80 đến 100 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH thực sự là cứu cánh với họ. Không những vậy, NHCSXH Yên Bái còn bảo đảm tất cả các khách hàng vay vốn bị thiệt hại do thiên tai đều được xem xét, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định, như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ với các khoản vay bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3 (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9.2024).
Đồng thời, NHCSXH còn tập trung rà soát nhu cầu vay vốn và giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng; trong đó, đặc biệt ưu tiên vốn cho các xã, thôn bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai để cho vay khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Kết quả giải ngân sau bão lũ, từ ngày 12.9 đến nay, NHCSXH đã cho 87 hộ vay với tổng số tiền là 4 tỷ 500 triệu đồng. Dự kiến, tổng dư nợ đến 30.9.2024 là 816 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị đã đến thăm hỏi động viên, chia buồn với 5 hộ bị sập nhà và có người chết do sạt lở đất tại các xã Minh Xuân, Liễu Đô; đồng thời, hỗ trợ ngày công dọn dẹp tại Trường Tiểu học và THCS và UBND xã Minh Chuẩn, hỗ trợ dọn dẹp cùng nhân dân khu Trung tâm xã Tân Lĩnh; với tổng số 18 lượt cán bộ, đoàn viên tham gia.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng có thiệt hại về thiên tai bão lũ; bảo đảm 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn, tiếp cận các dịch vụ được cung cấp" - Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Hải khẳng định.