Đưa vốn về vùng sâu, vùng xa bằng xe lưu động
Đưa vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, mô hình giao dịch bằng xe lưu động chuyên dùng của Agribank Chi nhánh Quảng Trị đã thực hiện hàng chục ngàn lượt giao dịch, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Gia đình ông Hồ Văn Hèo, ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông đang vay vốn để phát triển sản xuất trang trại chăn nuôi gia đình. Trước đây, mỗi lần đi làm thủ tục vay hay trả gốc và lãi cho ngân hàng, ông phải đi gần 60 cây số, rất khó khăn và vất vả.
Từ khi có điểm giao dịch lưu động của Agribank Chi nhánh Quảng Trị bằng ô tô chuyên dụng tới tận trung tâm xã Tà Rụt, gia đình ông và rất nhiều hộ dân tộc tiểu số khác dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Hiện gia đình ông Hèo đang vay 200 triệu đồng để mua thêm bò, dê chăn nuôi và trồng 5 hec ta keo lá tràm, cứ mỗi tháng gia đình cần trả lãi và trả 1 ít tiền gốc.
Ông Hèo nói: “Trước đây chưa có xe lưu động của Agribank thì bà con rất khó khăn, mỗi lần giao dịch phải ra nơi trung tâm của huyện là 60 km và mất một ngày công nữa. Sau khi có chính sách, có xe lưu động thì đây là một niềm vui, rất vui mừng đối với bà con. Người dân rút ngắn thời gian cũng như chi phí, đi lại cũng rất thuận tiện”.
Được triển khai cách đây 5 năm, định kỳ thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, xe giao dịch lưu động của Agribank thực hiện các phiên giao dịch cho người dân khu vực của 5 xã: Tà Rụt, Húc Nghì, A Ngo, A Vao và A Bung của huyện Đakrông với hàng chục ngàn lượt giao dịch. 7 tháng đầu năm nay, mô hình xe lưu động đã giao dịch với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.
Theo ông Hồ A Duân, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông, việc giao dịch tín dụng bằng xe lưu động đã góp phần đưa đồng vốn kịp thời đến với các hộ gia đình, góp phần chuyển tải những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ vốn đến nhân dân. Từ đó người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
“Xe lưu động của ngân hàng đã hoạt động tại địa bàn xã thì mình thấy thuận lợi nhiều cái. Việc đi lại của bà con không khó khăn như thời xưa nữa, đặc biệt là một số xã lân cận. Việc trả lãi hàng tháng, gửi tiền tiết kiệm, đem tiền mặt và giao dịch với ngân hàng để tiếp cận các nguồn vốn vay, để đưa vào trang trải trong việc sản xuất kinh tế của gia đình,” ông Hồ A Duân nói.
Tại Quảng Trị, sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho lĩnh vực tam nông có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Từ nguồn vốn đó, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu và nông dân ngày càng biết tự thoát nghèo, từng bước vươn tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Ở đâu có nông dân là ở đó có dấu chân của cán bộ, nhân viên Agribank. Ngân hàng luôn chia sẻ lợi ích của mình, hỗ trợ nguồn lực tối đa giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian tới, ngân hàng sẽ bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập.
“Đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn thì Agribank chi nhánh Quảng Trị đã đầu tư, trang bị hệ thống xe giao dịch lưu động, chủ yếu là phục vụ cho bà con dân tộc thiểu số. Qua hơn 5 năm hoạt động của xe lưu động thì phải khẳng định rằng nó có hiệu quả, đặc biệt là bà con trong vùng sâu vùng xa đỡ chi phí đi lại và đỡ vất vả hơn, đồng thời được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng như mở tiền tiết kiệm, mở tài khoản. Các dịch vụ ngân hàng này được cung cấp đầy đủ trên chiếc xe lưu động đó” - ông Võ Văn Tình, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho hay./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dua-von-ve-vung-sau-vung-xa-bang-xe-luu-dong-post1040522.vov