Đưa 'vũ khí giắt lưng' của lính Cảnh vệ vào chương trình huấn luyện võ thuật CAND
Những người lính Cảnh vệ thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, CBCS Cảnh vệ luôn phải đối mặt trực tiếp với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ.
Vì vậy, võ thuật và thể lực là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác huấn luyện, nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu, bản lĩnh vững vàng, vận dụng linh hoạt vào thực tiễn công tác, bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ và mục tiêu bảo vệ.
“Vũ khí giắt lưng” của người lính Cảnh vệ
Hiểu rõ tính chất, nhiệm vụ và yêu cầu công tác cảnh vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy lực lượng Cảnh vệ: “Muốn bảo vệ, thì người bảo vệ: phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khỏe, phải bắn súng giỏi”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, từ những thế võ dân tộc được Bác Hồ truyền dạy cho những chiến sĩ Cảnh vệ được trực tiếp bảo vệ Người ở chiến khu Việt Bắc, đồng chí Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ đã nghiên cứu, phát triển thành 52 thế võ hoàn chỉnh và đặt tên là “Mai hoa quyền”.
Giới thiệu về bài quyền, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa – Phó đội trưởng Đội Huấn luyện thuộc Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ (TTHL&BDNV), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho biết: “Mai hoa quyền là sự kết hợp tinh hoa và mang đậm nét đặc trưng của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Với nhiều kỹ thuật đặc biệt, uyển chuyển, lúc nhu, lúc cương, sử dụng đồng bộ các bộ phận trên cơ thể kết hợp với mã bộ di chuyển linh hoạt để thực hiện các kỹ thuật tấn công, phòng thủ trong chiến đấu”.
“Kỹ thuật của bài quyền được qui định theo nguyên tắc “Thủ bất li thân, túc bất li địa”. Nghĩa là đôi tay quyền luôn có độ gấp ở khuỷu tay để che chắn hai bên sườn và phát huy kịp thời cặp chỏ trong phòng thủ, nhập nội tấn công vào yếu điểm của đối phương. Còn chân di chuyển thấp bộ, rất ít khi bay nhảy, rời chân khỏi mặt đất. Khi sử dụng chân tung đòn đá thì rất bất ngờ, chớp nhoáng và không có đòn đá liên hoàn. “Khi diễn luyện, ta có thể thấy được nét đặc trưng riêng biệt của bài võ với triết lý dùng nhu chế cương. Động tác uyển chuyển, thân pháp nhẹ nhàng, linh hoạt trong khắc chế đòn tấn công của địch thủ. Đồng thời phản công lại bằng những đòn đánh uy lực, chớp nhoáng, làm mất sức kháng cự của đối phương”, Trung tá Hòa chia sẻ.
Với tính ưu việt đặc biệt, Mai hoa quyền với 52 động tác biến ảo, thực chiến, công thủ toàn diện được coi là “bảo bối”, “vũ khí giắt lưng” của người lính Cảnh vệ trong suốt chặng đường hơn 70 năm qua.
Đưa lên một tầm cao mới
Nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện môn võ thuật trong CAND, năm 2021, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa – giáo viên trực tiếp phụ trách huấn luyện môn võ thuật thuộc TTHL&BDNV được Bộ Công an triệu tập tham gia Ban Biên soạn tài liệu huấn luyện quân sự võ thuật trong toàn lực lượng CAND. Ban Biên soạn đặt ra yêu cầu cho các thành viên là nghiên cứu, tìm nội dung mới, vừa mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, truyền thống, vừa có tính ứng dụng chiến đấu cao để bổ sung vào giáo trình huấn luyện quân sự, võ thuật CAND.
Hơn 20 năm gắn bó với lực lượng Cảnh vệ, trực tiếp tham gia huấn luyện môn võ thuật, hiểu rõ ý nghĩa chính trị, giá trị lịch sử cũng như tính ứng dụng của bài quyền, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa nhận thấy Mai hoa quyền hội tụ đầy đủ các yếu tố mà Ban Biên soạn yêu cầu.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị của Mai Hoa quyền, Nguyễn Xuân Hòa báo cáo Ban Giám đốc TTHL và BDNV, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ về việc đề xuất với Ban Biên soạn nghiên cứu bổ sung bài quyền 52 động tác của lực lượng Cảnh vệ vào chương trình huấn luyện võ thuật của lực lượng CAND.
Mặc dù không phải không có ý kiến phản đối, trái chiều, song với nỗ lực, quyết tâm đưa Mai hoa quyền vào chương trình huấn luyện quân sự, võ thuật CAND, Trung tướng Trần Hải Quân – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã trực tiếp chỉ đạo bộ phận huấn luyện võ thuật thuộc TTHL và BDNV thành lập Tổ giáo viên nghiên cứu giáo trình và tập luyện phân thế bài quyền ở 4 phương, 8 hướng với 110 động tác do Trung tá Nguyễn Xuân Hòa làm Tổ trưởng.
“Vừa trực tiếp biểu diễn phân thế, vừa giải thích mục đích, hiệu quả của từng động tác. Tôi và đồng đội đã thuyết phục được các thành viên trong Ban Biên soạn về tính ưu việt của bài Mai hoa quyền. Việc luyện tập thường xuyên bài quyền giúp người chiến sĩ Công an phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực, nâng cao ý chí chiến đấu, bản lĩnh nghề nghiệp; có tác dụng đặc biệt trong rèn luyện cơ khớp và hiệu quả khi đánh ở cự ly gần”, Trung tá Hòa khẳng định.
Bắt đầu từ năm 2022, Mai hoa quyền chính thức được đưa vào chương trình huấn luyện võ thuật trong toàn lực lượng CAND và là nội dung thi đấu chính thức tại Hội thao CAND năm 2022. Trung tá Vũ Thanh Khương, Giám đốc TTHL&BDNV cho biết: “Đưa vào huấn luyện phổ cập trong toàn lực lượng CAND một lần nữa khẳng định tính ưu việt vượt trội của bài võ Mai hoa quyền trong thực hiện nhiệm vụ công tác Công an; đồng thời đây cũng là niềm vinh dự của các thế hệ CBCS Cảnh vệ CAND. Đồng chí Trung tá Nguyễn Xuân Hòa là một trong số những cán bộ có đóng góp đặc biệt quan trọng, đưa Mai hoa quyền phát triển lên một tầm cao mới”.
Bén duyên với Cảnh vệ từ niềm đam mê võ thuật
Sinh năm 1983 tại Nghệ An, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Xuân Hòa đã có niềm đam mê đặc biệt với võ thuật. Trước nhu cầu thiếu giáo viên huấn luyện quân sự, võ thuật trong các trường CAND, năm 2004, khi chưa kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND, Nguyễn Xuân Hòa là chiến sĩ trẻ nhất trong số 34 CBCS Công an trên toàn quốc được tuyển chọn đi đào tạo giáo viên huấn luyện quân sự, võ thuật của Bộ Công an.
Kết thúc khóa đào tạo, Nguyễn Xuân Hòa là một trong 2 học viên nhận bằng xuất sắc và được phong hàm vượt cấp, về nhận công tác tại Tiểu đoàn Cơ động Đặc nhiệm (nay là Trung đoàn Đặc nhiệm, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Năm 2007, anh Nguyễn Xuân Hòa chính thức đầu quân cho TTHL và BDNV, trực tiếp làm giáo viên huấn luyện võ thuật.
Anh tâm sự: “Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm, lại huấn luyện cho nhiều CBCS có tuổi đời, tuổi nghề lớn hơn mình nhiều nên tôi rất căng thẳng. Nhiều đêm, sau khi mọi người đã đi ngủ, tôi ra đứng trước cái cây ở trong sân đơn vị để tự “tập nói, tập giảng” trước đám đông”. Có những lớp học có tới 400 học viên nhưng chỉ có 10 giáo viên và trợ lý huấn luyện. Vì vậy, trong quá trình huấn luyện, tôi phải nói rất to, thậm chí phải hét lên đến mức tổn thương dây thanh quản. Nhiều hôm đang huấn luyện mà phải vào nhà ăn xin nửa quả chanh vắt trực tiếp vào cổ họng cho dịu giọng rồi lại hô tiếp”.
Xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở kiến thức có được qua các kỳ tập huấn võ thuật ở nước ngoài, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa đã chủ động cùng với tập thể giáo viên huấn luyện thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, bổ sung, xây dựng chương trình huấn luyện võ thuật đặc thù, nhất là chương trình huấn luyện võ thuật cho sĩ quan bảo vệ tiếp cận, CBCS các đơn vị chiến đấu, bảo vệ mục tiêu, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ.
“Do đặc thù công tác cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ gồm cả mục tiêu cố định và mục tiêu di động. Khi có tình huống xảy ra, CBCS Cảnh vệ phải sử dụng các động tác võ thuật nhanh, gọn, hiệu quả nhằm khống chế, không để tội phạm có điều kiện tiếp xúc gần, đe dọa an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ”, anh Hòa chia sẻ.
22 năm tuổi nghề, trong đó có 17 năm làm công tác huấn luyện, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa trực tiếp huấn luyện võ thuật cho hàng vạn học viên là CBCS Cảnh vệ, chiến sĩ nghĩa vụ, cho Cảnh vệ Lào và Campuchia; huấn luyện đội tuyển võ thuật của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tham gia các giải đấu trong và ngoài ngành. Một giáo viên huấn luyện nghiêm khắc, tận tâm, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung huấn luyện võ thuật, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa đã để lại dấu ấn cá nhân đậm nét trong công tác huấn luyện võ thuật trong lực lượng Cảnh vệ và lực lượng CAND.