Đưa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng
Đó là điều đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định ngay trước thềm Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hôm nay (21/6), Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 sẽ diễn ra tại Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là một hội nghị có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của toàn Vùng trong giai đoạn tới đây.
Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là quy hoạch vùng đầu tiên được thông qua trong cả nước. Chia sẻ trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Quy hoạch, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, một diện mạo mới sẽ đến với Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới đây.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra là, năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.
Theo Bộ trưởng, bản quy hoạch này chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Đây là cơ sở để lập các quy hoạch tiếp theo của các tỉnh, các quy hoạch ngành liên quan, là cơ sở để điều phối, liên kết phát triển vùng mà lâu nay đang là một điểm hạn chế của Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, từ bản quy hoạch này, các bộ ngành, địa phương sẽ nhận diện được đâu là cơ hội, đâu là thách thức mới với Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó cơ cấu lại các ngành kinh tế để có bước phát triển mới trong thời kỳ mới.
“Từ những quy hoạch như vậy cũng cho thấy những định hướng, tầm nhìn dài hạn, qua đó các nhà đầu tư sẽ tìm thấy cơ hội của mình để tham gia đầu tư, tạo làn sóng đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo dự kiến, ngoài việc công bố Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, cũng như công bố Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…, Hội nghị cũng sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển với quy mô khoảng 2,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác, đó chính là xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện Quy hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Vùng thông qua Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”.
Nguyên tắc phát triển thuận thiên sẽ mang tới nhiều cơ hội mới cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
“Nhu cầu đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Các cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư cũng rất lớn, từ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thông qua các dự án hợp tác công - tư PPP, đến đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế đang được cơ cấu lại và định hướng ưu tiên phát triển trong vùng, như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, logistics, du lịch sinh thái, bất động sản…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Một bản quy hoạch mới với tầm nhìn dài hạn, tư duy mới, dựa trên một nguyên tắc rất cơ bản là “phát triển thuận thiên”, lấy con người làm trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên… hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Chúng ta sẽ chủ động kiến tạo phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, bản Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long lần này sẽ mở ra tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra cơ hội mới, giá trị mới, từ các địa phương, nhà đầu tư cho đến người dân sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn, yên tâm hơn, no ấm hơn, thịnh vượng hơn.
“Đó chính là điều cốt lõi của Nghị quyết 13/NQ-TW, là lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng khẳng định và nhấn mạnh rằng, thực thi hiệu quả Quy hoạch, một diện mạo mới sẽ đến với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.