Đưa vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, bền vững
Sáng 18-7, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo một số bộ, ngành, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Dương bên lề hội nghị
Thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ
Hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ nhằm đổi mới cơ chế điều phối với mục tiêu phát huy các lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam bộ. Theo đó, Hội đồng điều phối vùng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội đồng điều phối vùng phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật. Việc phối hợp được thực hiện thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án. Đồng thời, Hội đồng điều phối vùng đề ra phương thức điều phối trên 6 lĩnh vực, đó là: Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; về đầu tư phát triển; về xây dựng các cơ chế, chính sách; về giải quyết các vấn đề liên kết vùng; về kế hoạch điều phối liên kết vùng; về cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Hội đồng điều phối vùng quy định rõ chế độ làm việc, nhiệm vụ của các thành viên hội đồng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.
Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam bộ thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Toàn cảnh hội nghị
Hội đồng điều phối vùng sẽ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội đồng điều phối vùng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI), vốn doanh nghiệp, tư nhân, thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng. Hội đồng điều phối vùng điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
Hội đồng điều phối vùng phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng; điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao như: Trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng; quyết định sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực khác được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng vùng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các địa phương Vùng Đông Nam bộ tham dự hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch Vùng Đông Nam bộ với tư duy mới, tầm nhìn mới; cần tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh, hóa giải tốt nhất những những hạn chế, yếu kém. Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới, Vùng Đông Nam bộ cần tập trung 3 vấn đề then chốt, đó là: Giải quyết tình trạng ách tắc giao thông; chú ý công tác bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái; giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, công nhân lao động.
Mục tiêu xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đưa Vùng Đông Nam bộ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước; tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ mục tiêu xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số.
Đồng thời, quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương cần thực hiện các đột phá chiến lược hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo liên kết vùng
Thực hiện các đột phá chiến lược tạo liên kết vùng
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhiều tiềm năng của Vùng Đông Nam bộ trong thời gian qua chưa thể phát huy do chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong phát triển giữa các địa phương, dẫn đến sự phát triển manh mún.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết với sự có mặt Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ, trong giai đoạn 2026 - 2035, toàn vùng sẽ phát triển lên 2 con số
Tiến sĩ Trần Du Lịch tin tưởng với sự có mặt của Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ, trong thời gian tới sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của các địa phương, nhất là phát huy hạ tầng giao thông kết nối, trong đó có phát huy vai trò của các cảng biển nước sâu như Cái Mép - Thị Vải để đưa cảng phát triển tầm cỡ trong khu vực. “Tôi tin tưởng với sự có mặt Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ, trong giai đoạn 2026 - 2035, toàn vùng sẽ phát triển lên 2 con số”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới Vùng Đông Nam bộ cần tập trung phát triển phát triển hạ tầng logistics xanh, hạ tầng trung tâm kho vận phục vụ cho kết nối vùng. Ông cũng cho rằng TP.Hồ Chí Minh có thể bám sát Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh để vận dụng nguồn vốn ngân sách cho các dự án giao thông kết nối với địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, với cơ chế được phép chủ động thu hút dự án từ các nhà đầu tư chiến lược với số vốn trên 30.000 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh có thể chủ động kêu gọi các dự án BOT, nhất là tuyến Metro 1 kết nối với tỉnh Bình Dương, các dự án mang tính chuyển đổi xanh, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh phát triển của Vùng Đông Nam bộ.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tổ chức cơ chế điều phối và liên kết vùng là hai vấn đề rất quan trọng mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đề ra. Điều phối vùng, điều phối liên kết trong vùng cần đúc kết ra những vấn đề được và chưa được để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, có cơ chế đặc thù tạo sự đột phá trong phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá kết quả buổi làm việc đã góp phần làm sâu sắc thêm nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương trong công tác liên kết phát triển vùng trong thời gian tới. Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng đã có những đóng góp tích cực cho công tác điều phối phát triển Vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần thực hiện các đột phá chiến lược hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo liên kết vùng để phát huy những lợi thế, tiềm năng; cần khắc phục những vướng mắc, yếu kém để tạo lực phát triển.
Để đạt được mục tiêu phát triển của vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành chủ động đề xuất cơ chế, nghiên cứu cơ chế đột phá cho vùng, cơ chế ưu tiên để phát triển vùng; hỗ trợ các địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh. Thủ tướng tin tưởng, với vai trò trung tâm dẫn dắt của TP.Hồ Chí Minh, trong thời gian tới Vùng Đông Nam bộ sẽ xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia và của cả vùng. Bên cạnh là trung tâm dịch vụ, công nghiệp, Vùng Đông Nam bộ còn là trung tâm của đổi mới sáng tạo của cả nước…
Lễ ra mắt Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ
Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch gồm các bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ủy viên hội đồng gồm thứ trưởng và tương đương của các bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.