Đưa xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia

Gần 40 năm nhìn lại, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vuợt bậc mang tính đột phá.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ngành xây dựng đã rất trưởng thành

Ông nhìn nhận thế nào về trình độ, công nghệ, thiết bị, năng lực, quản lý, kỹ thuật thi công của DN xây dựng Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam đã khai thác hiệu quả thời cơ ngành xây dựng bùng nổ và làm chủ công nghệ bằng cách khai thác lợi thế của người đi sau. Đó là một cơ hội vô cùng quý giá. Từ vai thầu phụ chuyển sang đối tác liên danh và nay các công ty xây dựng Việt Nam đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao và đã tạo nên một năng lực cạnh tranh vượt trội.

Hiện nay, nhiều DN xây dựng trong nước đã trưởng thành và đủ năng lực làm tổng thầu những công trình quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao như: Nhà máy thủy điện Sơn La, cầu dây văng Bãi Cháy, hầm Đèo Cả, Nhà máy thép Hòa Phát, Nhà máy ô tô Vinfast, cao ốc Landmark 81, Saigon Centre, Vietinbank Tower…

Ngành xây dựng Việt Nam đã không đi theo con đường phát triển bình thường mà có thể nói là nhảy vọt khi được xây dựng trên nền tảng công cụ và hệ thống hiện đại nhất dựa vào nỗ lực học hỏi, tích hợp tinh hoa về khoa học kỹ thuật công nghệ trong ngành xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Australia…

Vào những năm 90 của thập kỷ trước, những cao ốc được thực hiện bởi các nhà thầu ngoại giá thành không dưới 2.000 USD/m2, trong khi hiện nay chi phí nhân công và vật tư đều tăng cao nhưng giá thành xây dựng các cao ốc hạng A chỉ trong khoảng 1.000 USD/m2.

Gần 10 năm trở lại đây, các nhà thầu nội với đội ngũ kỹ sư có trình độ tay nghề cao đã thay thế nhà thầu ngoại ở các công trình, dự án có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao.

DN xây dựng nội đã gần như chiếm lĩnh thị trường trong nước và đem lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho nền kinh tế khi giảm được suất đầu tư cho rất nhiều dự án được thực hiện bởi nhà thầu nội với giá thành thấp hơn so với tổng thầu nước ngoài.

Ngoài ra, chúng ta có một lực lượng kỹ sư xây dựng rất hùng hậu với số lượng gấp ba lần mức trung bình của thế giới: 9.000 kỹ sư xây dựng trên 1 triệu dân trong khi mức trung bình thế giới là 3.000. Hiện nay có đến 67 trường đại học có các khoa chuyên ngành liên quan đến xây dựng bao gồm kỹ sư xây dựng, cầu đường, thủy lợi, kiến trúc sư, thiết kế nội thất, quản lý dự án, kinh tế xây dựng… Đó là những lợi thế cho công nghiệp xây dựng Việt Nam.

Với bức tranh "màu xám" của DN trong ngành hiện nay, đâu là những khó khăn đang gặp phải, thưa ông?

- Từ năm 2015 đến nay, thị trường xây dựng trong nước đã không còn nhiều nhà thầu xây dựng nước ngoài tham gia thi công xây dựng. Chúng ta đã làm chủ thị trường nhưng lại mất cơ hội học hỏi. Trong khi đó, công tác nghiên cứu phát triển của Việt Nam còn yếu kém, chưa được quan tâm và đầu tư phù hợp.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến chúng ta bị tụt hậu và không bảo vệ được thị trường nội địa. Nếu không có một chiến lược phù hợp, Việt Nam sẽ lại mất thị trường nội địa vào tay của những nhà thầu quốc tế thêm lần nữa.

Thêm vào đó, những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến cho các DN xây dựng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Từ năm 2017 có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi nguồn nhân lực trong ngành vẫn cứ tăng liên tục nhưng nguồn việc thì không tăng mà ngược lại sụt giảm rất mạnh.

Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu; thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt khiến các DN xây dựng không còn lợi nhuận.

Trong thời gian gần đây, tình trạng chậm thanh toán của các chủ đầu tư ngày càng trầm trọng khiến nhiều nhà thầu suy yếu, điêu đứng do không thể cân đối được dòng tiền để duy trì nguồn lực sản xuất, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản.

Có những nhà thầu đang gánh số nợ đến 6.000 tỷ đồng phải trả, trong khi không thu được nguồn vốn đã bỏ ra để xây dựng công trình cho chủ đầu tư. Điều này cho thấy, chất lượng tài sản của ngành xây dựng đang xuống dốc nghiêm trọng, tỷ lệ nợ phải thu chiếm đến 70%, rơi vào các DN nhà thầu lớn; đối với nhà thầu vừa và nhỏ, tỷ lệ này cũng chiếm 62 - 65% tổng tài sản.

Phải có giải pháp nuôi dưỡng và nâng tầm

Nói riêng về Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông có thể chia sẻ tình hình kinh doanh hiện nay của công ty thế nào?

- Trong năm 2022, do hoạt động kinh doanh ghi nhận lỗ nên công ty không chia cổ tức, không phát hành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên.

Năm 2023, Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng... Lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra chiều 27/6 vừa qua, Hòa Bình đã công bố việc thành lập liên minh với các nhà thầu Coteccons, Central Cons, An Phong, Delta… để tham dự Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

Thưa ông, 40 năm phát triển với nhiều bước tiến của ngành xây dựng, thị trường hiện nay mặc dù đang khó khăn, đến Hòa Bình cũng đang kêu gọi cùng liên minh để tham gia thị trường ngoại, hướng tới vươn ra "biển lớn". Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

- Hiện nay, thị trường xây dựng thế giới có giá trị khoảng 13.500 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỷ USD. Trong khi đó ở Việt Nam những năm gần đây tổng sản lượng ngành xây dựng chỉ khoảng 80 tỷ USD, tức là chỉ xấp xỉ 0,6% quy mô của thị trường thế giới, nếu thành công trong việc khai thác thị trường này, xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia với mục tiêu chiếm khoảng 1,8% thị trường này, tức nâng sản lượng xây dựng lên gấp 3 lần (240 tỷ USD).

Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế trên, phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu đồng thời còn giúp giải quyết bài toán dư thừa trầm trọng nguồn nhân lực. Phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, tiếp thu kịp thời tinh hoa của thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp chúng ta luôn đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa.

Vì vậy, chúng ta cần phải có giải pháp nuôi dưỡng và nâng tầm ngành xây dựng để công nghiệp xây dựng có thể chinh phục được thị trường nước ngoài và từ đó trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Cũng cần lưu ý rằng, cơ hội này chỉ đến một lần, nếu chậm chân chúng ta sẽ không thành công bởi giai đoạn dân số vàng với những thuận lợi về nguồn nhân lực dồi dào sẽ qua đi rất nhanh, dự báo kết thúc vào năm 2034 và chúng ta không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Chúng tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của DN xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này và sẽ nỗ lực để cùng Chính phủ, các hiệp hội, chuỗi cung ứng thực hiện thành công mục tiêu chiến lược nói trên.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hiền - Khắc Kiên thực hiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-xay-dung-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-quoc-gia.html