Đua xe trái phép có thể sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng?
Dự thảo sửa đổi nghị định 100/2019 tăng gấp đôi mức xử phạt hành vi đua xe trái phép, do thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã tái xuất hiện tình trạng gây mất trật tự ATGT này.
Nghị định 100/2019 được ban hành đã tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với nhiều hành vi, tuy nhiên một số hành vi vi phạm vẫn có mức phạt chưa đủ mức răn đe. Mới đây, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, trong đó có đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt người đua xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép từ 7 - 8 triệu đồng như quy định hiện hành lên 10 - 15 triệu đồng. Đối với trường hợp đua ôtô trái phép , mức xử phạt cũng tăng từ 8 - 10 triệu đồng lên 20 - 25 đồng.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết việc sửa đổi lần này nhằm đồng bộ với Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội đã thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bao gồm nhiều nội dung mới như tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định mới cũng tăng mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 175 cm3, không có giấy phép lái xe (GPLX) hoặc sử dụng giấy phép hết hạn. Cụ thể, mức phạt hiện hành đang ở mức từ 3 - 4 triệu đồng, sẽ được tăng lên mức 4 - 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, mức phạt các hành vi người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô, không có GPLX hoặc sử dụng giấy không do cơ quan thẩm quyền cấp, hoặc giấy hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên cũng tăng từ 4 - 6 triệu đồng lên mức 10 - 12 triệu đồng.
Được biết, việc tăng mức xử phạt xuất phát từ việc thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng sử dụng ôtô, xe máy để đua xe trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự. Vì vậy, cần phải tăng mức xử phạt để răn đe, phòng ngừa.