Đưa Yên Bái trở nên giàu có, văn minh, hiện đại
GS.TS HOÀNG CHÍ BẢO - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương65 năm trước, Bác Hồ dẫn đầu đoàn cán bộ Đảng và Nhà nước về thăm tỉnh Yên Bái, tuy thời gian ngắn nhưng đầy ắp những kỷ niệm ân tình không thể nào quên đối với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Các thế hệ cán bộ đảng viên và người dân Yên Bái sẽ lưu giữ mãi mãi trong ký ức của mình sự kiện lịch sử khi được đón Bác Hồ về thăm, được khắc ghi trong tâm khảm của mình qua những lời căn dặn của Bác.
Vinh dự, tự hào khi được đón Bác Hồ về thăm
Những lời dạy của Bác Hồ đối với nhân dân tỉnh Yên Bái thể hiện sinh động và cảm động Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách của Người, mà giờ đây mỗi chúng ta cần ra sức thấm nhuần, nỗ lực thực hiện, nuôi dưỡng “tinh thần cống hiến” để thực hiện “khát vọng phát triển” như Đảng ta đã nêu trong văn kiện Đại hội XIII. Đó là cách tốt nhất, thiết thực nhất kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Yên Bái - sự kiện tiêu biểu nhất trong năm, trong đời sống chính trị - tinh thần của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Để học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh qua chuyến thăm và lời dạy của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái, chúng ta cần nhận rõ bối cảnh xã hội diễn ra chuyến đi của Người về Yên Bái, bài nói của Người tại cuộc mít tinh với cán bộ đảng viên và đồng bào tỉnh nhà, đặc biệt là buổi làm việc của Người với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngay khi Người tới Yên Bái. Câu chuyện cảm động mà đồng chí Nguyễn Đức, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy kể lại khi đã là Thượng tướng trong quân đội, Ủy viên Trung ương Đảng, sau 40 năm về thăm lại Yên Bái (1958 - 1998) cho ta những thu hoạch bổ ích để thêm một lần thấm nhuần tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh. Không chỉ có vậy, những thư từ Người gửi cho cán bộ và nhân dân, kể cả các cháu thiếu nhi cho ta cảm nhận sự ân cần, chu đáo, sát sao của Người với nhân dân và cuộc sống của họ, niềm tin và mong đợi của Người về triển vọng tốt đẹp trong phát triển của Yên Bái.
Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại cuốn sách “Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sưu tầm, biên soạn rất công phu, được xuất bản năm 2018 vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh nhà. Có thể nói, đây là cuốn sách quý, rất bổ ích không chỉ với giới nghiên cứu mà còn là tài liệu quan trọng để giáo dục, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc đối với thế hệ trẻ hiện nay. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái đã làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền về việc học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức biên soạn cuốn sách quý này.
Chuyến thăm và lời dạy của Bác Hồ tại Yên Bái 65 năm về trước đã truyền cảm hứng thật sâu đậm đối với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái. Cảm hứng mà Bác gieo niềm tin cho chúng ta còn mãi tới bây giờ và mai sau. Tình thương và niềm tin chúng ta nhận từ Người cho ta sức mạnh đoàn kết, năng lực sáng tạo trong lao động và công tác, trong xây dựng đời sống mới, văn hóa mới, con người mới, quyết tâm vượt qua những cái cũ lạc hậu, lỗi thời để vươn lên bằng nỗ lực của chính mình, đạt tới tiến bộ và phát triển như Bác hằng mong - Yên Bái phải trở thành tỉnh khá nhất trong vùng miền núi phía Bắc. Đảng bộ và nhân dân Yên Bái quyết đạt tới mục tiêu đó vào những năm sắp tới - vào dịp kỷ niệm thiêng liêng, năm 2030 đánh dấu một 100 năm lịch sử quang vinh của Đảng ta.
Phải làm thế nào cho đời sống của dân tốt hơn
Nhớ lại 65 năm trước, chiều 24.9.1958, Bác đã đến Yên Bái. Từ một toa đặc biệt ở cuối đoàn tàu, Bác đã hiện ra cùng với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Bác tươi cười vẫy tay chào tất cả mọi người đi đón Bác, gần gũi thân thương, không hề có khoảng cách giữa Lãnh tụ và người dân. Và ngay chiều tối hôm đó, rất khẩn trương, Bác có ngay buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là trao đổi bao điều thiết thực, cặn kẽ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, căn dặn chuẩn bị thật tốt cho buổi sáng hôm sau, 25.9.1958, Bác nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Thời điểm Bác về thăm Yên Bái là một mốc thời gian quan trọng, Bác đến với Yên Bái sau khi Bác về thăm quê năm 1957, lúc Người đã 67 tuổi. Với Bác Hồ, đâu cũng là quê hương nghĩa nặng tình sâu. Đóng góp sức người, sức của, kể cả hy sinh xương máu cho chiến thắng Điện Biên, giải phóng Tây Bắc của Yên Bái thật là to lớn, đều được Bác thấu hiểu. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn của đồng bào, kể cả những tàn dư hủ tục từ bao đời vẫn đè nặng lên từng bản làng và trong từng gia đình, Bác đều thấu cảm, chẳng thế mà Người đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh, với Bí thư Tỉnh ủy hồi bấy giờ - những câu hỏi xoáy sâu vào tình cảnh sống của bà con, vào những khó khăn của một tỉnh nghèo vừa mới ra khỏi chiến tranh.
Từ việc Yên Bái đã có thể tự túc được lương thực chưa, hay hằng năm vẫn phải nhận viện trợ của Trung ương, tất cả cần đến bao nhiêu tấn gạo? Lại có đủ muối ăn, nhất là muối i-ốt chữa bệnh bướu cổ cho bà con không? Vận chuyển gạo, muối lên miền núi giúp đồng bào có kịp thời và thường xuyên không? Người hỏi cả dầu hỏa thắp sáng cho các hộ dân xa xôi, thuốc chữa bệnh thế nào, cả chỉ màu cho chị em thêu váy áo nữa có được quan tâm không? Đủ thấy sự quan tâm của Người cụ thể và thiết thực như thế nào? Với Người, đời sống của dân là điều hệ trọng, không có việc gì là nhỏ cả. Việc học hành của trẻ em, xóa mù chữ cho đồng bào, chữa bệnh cho người nghèo… tất cả đều được Người tìm hiểu cặn kẽ. Người đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải biết rõ, phải “nằm lòng” “những con số biết nói” đó để thường xuyên tâm niệm phải làm gì cho dân đỡ khổ, phải làm thế nào cho đời sống của dân tốt hơn,
Đã 65 năm ngày Bác về Yên Bái. Dấu chân, hơi ấm của Người còn mãi nơi đây và khắp mọi nẻo đường đất nước. Trong lúc Đảng bộ và nhân dân Yên Bái kỷ niệm 65 năm Bác về thăm thì toàn Đảng, toàn dân ta còn dạt dào xúc động trước bao nhiêu sự kiện: 100 năm, lần đầu Bác đến nước Nga mong gặp Lênin, 80 năm Bác ra khỏi nhà tù ở Quảng Tây, được trả lại tự do, luyện tập sức khỏe để về với đồng chí đồng bào. Từ sự kiện này ta biết đến “Nhật ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán của Người nay đã trở thành Bảo vật quốc gia. Lại nữa, 75 năm, Bác Hồ có 6 lời dạy công an và viết văn kiện “Thi đua ái quốc”…
Từ tất cả sự kiện và văn phẩm của Người, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái thừa hưởng và thụ hưởng một di sản tinh thần vô giá, đầy đủ Tâm lực và Trí lực để phát triển, nuôi dưỡng mãi mãi khát vọng và hành động đưa Yên Bái trở nên giàu có, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tình thương và niềm tin của Bác Hồ dành cho Yên Bái anh hùng.
(Lược ghi tại Hội thảo Yên Bái học tập và làm theo lời Bác)