Dubai Việt Nam: Các 'tay chơi' kín tiếng ở siêu dự án 14.600 tỉ đồng

Dù đang ngóng chủ trương đầu tư, song 'cuộc chơi' ở siêu dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) vẫn thu hút được nhiều 'tay chơi' giàu tiềm lực.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chuyển biến bên trong Dubai Việt Nam

Theo tìm hiểu của VietTimes, dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam ban đầu có tên gọi là “Khu đô thị nông nghiệp, dịch vụ sinh thái nghỉ dưỡng Bắc Bình”, quy mô 1.755 ha, tổng vốn đầu tư 4.900 tỉ đồng.

Còn những chuyển biến bên trong, ở đây, là những thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam (Dubai Việt Nam) – doanh nghiệp đã ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư dự án tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình từ năm 2017.

Dubai Việt Nam chỉ mới được thành lập trước đó vài tháng, cụ thể là vào ngày 20/10/2016, với quy mô vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Võ Văn Tùng (góp 120 tỉ đồng, sở hữu 40% VĐL), ông Hoàng Hữu Huy (góp 90 tỉ đồng, sở hữu 30% VĐL), ông Phạm Văn Định (góp 60 tỉ đồng, sở hữu 20% VĐL) và ông Lê Thành (góp 30 tỉ đồng, sở hữu 10% VĐL).

Trong đó, ông Phạm Văn Định (SN 1976) tiếp tục gắn bó với Dubai Việt Nam cho tới nay, thông qua Công ty TNHH Khoáng sản Đầu tư Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Minerals Invest). Ông Lê Thành được biết đến là Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Viện Kinh tế Xanh, song cũng là một doanh nhân kỳ cựu và hiện đứng tên tại cả chục pháp nhân, trong đó có CTCP Tập đoàn Tân Mai.

Sau khi thỏa thuận ghi nhớ đầu tư được ký kết, Dubai Việt Nam nhiều lần tăng vốn, cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi.

Cụ thể, tháng 2/2018, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 2.200 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt (Thuận Việt, sở hữu 30% VĐL), Hưng Thịnh Minerals Invest (20% VĐL), Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA (DHA Invest, 35% VĐL) và ông Hoàng Hữu Huy (15% VĐL).

Đến tháng 3/2018, Dubai Việt Nam đã điều chỉnh, bổ sung hồ sơ, đổi tên dự án thành Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 14.600 tỉ đồng.

Dự án bao gồm 3 phân khu: (1) khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm thương mại - dịch vụ du lịch, trung tâm hội nghị, trung tâm thể dục thể thao, du lịch sinh thái và khu nông thị - nông nghiệp kỹ thuật cao.

Cập nhật tới tháng 4/2018, Dubai Việt Nam chỉ còn ghi nhận sự góp mặt của 3 cổ đông pháp nhân là: DHA Invest (42,5% VĐL), Thuận Việt (37,5% VĐL) và Hưng Thịnh Minerals Invest (20% VĐL).

“Mỏ vàng” titan

Dù được kỳ vọng sẽ là dự án “điểm nhấn” về du lịch trên địa bàn Bắc Bình, song, siêu dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam vẫn thuộc diện chủ trương lập thủ tục đầu tư, chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Được biết, dự án này có 1.067 ha chồng lấn với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg (ban hành ngày 6/5/2014).

Nhằm tháo gỡ bế tắc cho dự án, cuối tháng 4/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép đưa phần diện tích này ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan để thực hiện dự án. Song, cho tới nay vẫn chưa có nhiều động thái đáng ghi nhận.

Bình Thuận là địa phương có trữ lượng và tài nguyên titan lên tới 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước. Tổng giá trị quặng titan tại Bình Thuận theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường là hơn 138 tỉ USD. Do đó, với 1.067 ha nằm trong khu vực dự trữ quặng titan, giá trị quặng thuộc dự án Dubai Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ lên tới hàng tỉ USD.

Khá thú vị nếu biết rằng, vào tháng 9/2016, Hưng Thịnh Minerals Invest đã hoàn tất việc thâu tóm Công ty TNHH MTV Nhà máy xỉ Titan Hưng Thịnh, rồi chuyển đăng ký địa chỉ trụ sở chính của công ty này về xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

Trong 3 năm gần nhất, Hưng Thịnh Minerals Invest không phát sinh doanh thu, mỗi năm báo lỗ từ 1 – 1,8 tỉ đồng. Trong khi đó, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu không có nhiều biến động, tính đến cuối năm 2019 đều đạt mức 896 tỉ đồng.

Tiềm lực của DHA Invest và Thuận Việt

Theo tìm hiểu của VietTimes, DHA Invest được thành lập từ tháng 11/2011, tiền thân là Công ty TNHH MTV Tư vấn Đặng Hồng Anh. Tên tuổi của doanh nghiệp này gắn liền với vị Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Đặng Hồng Anh (SN 1980).

DHA Invest không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản với một số dự án như: D-Homme (Quận 6, TP. HCM), D-One Gò Vấp (TP. HCM).

Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu thuần của DHA Invest tăng trưởng nhanh chóng, từ mức chỉ vài trăm triệu đồng năm 2016 đã tăng lên 919,9 tỉ đồng vào năm 2019. Dù vậy, lợi nhuận thuần DHA Invest ghi nhận giai đoạn này chỉ khiêm tốn ở mức vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của DHA Invest lần lượt đạt 1.443,9 tỉ đồng và 1.002,1 tỉ đồng.

So với 2 cổ đông kể trên, Thuận Việt có quy mô lớn hơn cả. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thuận Việt đạt mức 7.510,6 tỉ đồng; quy mô vốn chủ sở hữu đạt 1.139,8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu thuần trong 4 năm gần nhất của Thuận Việt cũng lên tới cả nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty này lại báo lãi thuần khá khiêm tốn.

Như năm 2018, Thuận Việt ghi nhận doanh thu lên tới 4.944,7 tỉ đồng, song chỉ báo lãi thuần 91,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 1,8%. Năm 2019, Thuận Việt ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm về mức 1.685,9 tỉ đồng, báo lãi thuần 15,8 tỉ đồng.

Thuận Việt là doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu đời, được thành lập từ ngày 29/4/1999, đăng ký địa chỉ trụ sở tại Tòa nhà Thuận Việt, 40A – 40B Út Tịch, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM.

Cập nhật tới tháng 2/2020, quy mô vốn điều lệ của Thuận Việt đạt 1.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Võ Văn Bé (95%) và bà Võ Ngọc Thanh Vân (5%). Trong đó, ông Võ Văn Bé (SN 1964) nhiều năm liền đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Thuận Việt.

Năm 2003, Thuận Việt chính thức tham gia thị trường bất động sản khi là một trong các cổ đông sáng lập Tập đoàn SSG. Nhưng phải đến năm 2013, Thuận Việt mới thực sự ghi dấu tại thị trường địa ốc phía Nam với 3 dự án theo hình thức BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bao gồm: 2.200 căn hộ tái định cư (4.200 tỉ đồng), 1.330 căn hộ tái định cư (dự án New City, tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng) và hạ tầng toàn khu 38,4 ha (750 tỉ đồng).

Bên cạnh bất động sản, Thuận Việt còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực thi công xây dựng hạ tầng.

Cụ thể, Thuận Việt từng thực hiện một số gói thầu như: Dự án siêu thị tham gia bình ổn thị trường và thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, chiếu phim (CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Khang Gia Land làm chủ đầu tư); Cao ốc Thương Mại Saigon Asiana Plaza (CTCP Giải Trí Miền Nam làm chủ đầu tư).

Đáng chú ý, vào cuối năm 2015, Thuận Việt là nhà đầu tư đã chi ra 457,64 tỉ đồng để sở hữu 45,695 triệu cổ phiếu Cienco 6, tương ứng tỷ lệ 92,88%.

Ngoài ra, Thuận Việt còn hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng nhằm tạo ra một vòng tròn khép kín trong việc cung cấp vật liệu và thi công xây dựng.

Cụ thể, công ty này đang khai thác một số mỏ như: Mỏ đá xây dựng Tà Zôn (tỉnh Bình Thuận), Hòn Dài (tỉnh Ninh Thuận), Phước Bình (tỉnh Đồng Nai), mỏ đá ốp lát trang trí Đam Rông (Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng), xưởng đá Nam Thuận Thành (TP.HCM).

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dubai-viet-nam-cac-tay-choi-kin-tieng-o-sieu-du-an-14-600-ti-dong-post139477.html