Đức-Anh-Mỹ nói về vấn đề Taliban, IS, sơ tán và hỗ trợ nhân đạo ở Afghanistan
Lãnh đạo Đức yêu cầu Taliban tôn trọng những tiêu chuẩn nhất định, trong khi Anh thảo luận trực tiếp với Taliban. Mỹ thì khẳng định hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Afghanistan chứ không phải Taliban.
Đức muốn Taliban tôn trọng những tiêu chuẩn nhất định
Phát biểu trước báo giới sau cuộc thảo luận về tình hình Afghanistan với người đồng cấp Qatar, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, cần đảm bảo không thể để xảy ra thêm bất ổn gì tại Afghanistan vì như vậy có thể vô tình tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố cũng như kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với các nước láng giềng của Afghanistan. Theo ông Maas, trước mắt cần giải quyết một số vấn đề thiết thực, trong đó có việc giữ cho sân bay ở Kabul được thông thoáng.
Đề cập tới các cuộc trao đổi, tiếp xúc với Taliban, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh, chính phủ Đức đến nay vẫn giữ quan điểm cho rằng có những tiêu chuẩn nhất định mà Đức mong đợi Taliban sẽ tôn trọng. Đó là về quyền con người, đặc biệt là quyền của phụ nữ cũng như ý tưởng thành lập một chính phủ toàn diện. Đức đang rất trông đợi những điều này trong những ngày tới. Trước đó, ông Maas cũng cho biết, Taliban đã cam kết thành lập chính phủ mới, song phải mất vài ngày và vài tuần nữa mới có thể biết liệu yêu cầu của các nước về việc thành lập một chính phủ toàn diện tại Afghanistan có được đáp ứng hay không.
Những tuyên bố kể trên đã được nhà ngoại giao hàng đầu của Đức đưa ra sau khi Ngoại trưởng Qatar cảnh báo, việc cô lập Taliban có thể khiến tình hình Afghanistan thêm bất ổn.
Nhân dịp này, ông Maas cũng cảm ơn Qatar vì vai trò của nước này trong việc hỗ trợ công tác sơ tán người Đức ra khỏi Afghanistan: "Qatar đã đảm nhận vai trò chủ đạo trong công tác sơ tán ở Kabul trong một tình huống cực kỳ khó khăn và cực kỳ nguy hiểm thông qua các hành động rất cụ thể như tổ chức các đoàn xe đến sân bay, đàm phán với Taliban và hơn thế nữa. Điều này cho phép chúng tôi không vận ra khỏi Kabul một số lượng lớn công dân Đức, nhân viên địa phương và người Afghanistan cần được bảo vệ và đủ điều kiện để đến Đức”.
Anh thảo luận trực tiếp với Taliban nhưng chưa xác định cách thức làm việc
Người phát ngôn của chính phủ Anh hôm qua (31/8) cho biết nước này đang có các cuộc đối thoại trực tiếp với Taliban về việc đảm bảo hành lang sơ tán an toàn cho các công dân Anh và những người Afghanistan làm việc cho nước này.
Tuy nhiên, quan chức Anh cho rằng còn quá sớm để quyết định liệu có bàn thảo với Taliban về việc đối phó với chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan hay không, cũng như cách thức làm việc với lực lượng này. Điều này sẽ phụ thuộc vào việc Taliban thực hiện các cam kết, trong đó có việc tôn trọng các quyền con người và Anh sẽ gây áp lực để Taliban thực hiện những cam kết mà lực lượng này đã đưa ra.
Đại diện đặc biệt của Thủ tướng Anh về giai đoạn chuyển giao của Afghanistan - ông Simon Gas đã bay tới Doha, Qatar để có cuộc gặp với đại diện của Taliban. Theo phía Anh, vẫn còn khoảng 150 đến 200 người có đủ điều kiện rời khỏi Afghanistan, nhưng vẫn chưa sơ tán được.
Bước đi của Anh đưa ra khi Taliban đã đảm bảo với khoảng 100 nước rằng sẽ tiếp tục cho phép người nước ngoài và các công dân Afghanistan có giấy tờ hợp lệ rời khỏi nước này ngay cả sau thời hạn chót Mỹ rút quân là 31/8. Hôm qua Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, hơn 17.000 người đã được Anh sơ tán khỏi Afghanistan, bao gồm hơn 5.000 công dân nước này.
Mỹ và các đối tác hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan chứ không phải Taliban
Hãng tin Reuters trích lời một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ tuần trước đã cấp giấy phép cho nước này và các đối tác tiếp tục hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan, bao gồm các hoạt động vận chuyển thực phẩm và thuốc men. Hiện có nhiều lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lực lượng Taliban, vốn nằm trong danh sách đen của Mỹ, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động viện trợ nhân đạo tại quốc gia này sau khi Taliban lên nắm quyền. Tuy nhiên giấy phép mới sẽ cho phép các hoạt động kéo dài đến ngày 1/3/2022. Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh, các hoạt động nhân đạo tiếp tục để hỗ trợ người dân Afghanistan, chứ không phải lực lượng Taliban.
Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 18 triệu người, chiếm một nửa dân số Afghanistan cần hỗ trợ và một nửa số trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính do đợt hạn hán thứ 2 trong vòng 4 năm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng khẳng định, Mỹ vẫn sẽ là một nhà tài trợ "rất hào phóng" cho người dân Afghanistan nhưng sẽ ngăn chặn bất kỳ khoản hỗ trợ nào của Mỹ chuyển qua kho bạc của lực lượng Taliban./.