Đức bắt ba nghi phạm chuyển công nghệ bí mật cho Trung Quốc
Theo Bộ Nội vụ Đức, các nghi phạm đã chuyển giao các công nghệ có thể ứng dụng cho mục đích quân sự cho phía Trung Quốc .
Ngày 22/4, Reuters đưa tin ba người Đức đã bị bắt vì nghi ngờ làm việc với cơ quan mật vụ Trung Quốc nhằm chuyển giao các công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Vụ bắt giữ diễn ra một tuần sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến công du đến Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Kinh về việc nước này mở rộng thương mại với Nga bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây. Ngoài ra còn các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương mại.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, cơ quan an ninh nước này theo dõi hoạt động gián điệp Trung Quốc từ lâu và liên quan đến nhiều ngành công nghệ quan trọng của Đức.
“Chúng tôi xem xét rất kỹ những rủi ro, mối đe dọa từ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Bên cạnh đó cơ quan an ninh Đức cũng đưa ra nhiều cảnh báo về vấn đề này”, bà Faeser nhấn mạnh.
Nhắc đến vụ việc trên, bà Faeser cho biết công nghệ bị rò rỉ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự là "đặc biệt nhạy cảm".
Còn theo Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann: “Vào thời điểm bị bắt, các nghi phạm đang tiến hành trao đổi với tình báo Trung Quốc về các dự án nghiên cứu đặc biệt hữu ích cho tác chiến trên biển, điều Bắc Kinh luôn cần”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Các công tố viên Đức xác định các nghi phạm gồm Herwig F. và Ina F, một cặp vợ chồng điều hành một công ty ở Dusseldorf, và Thomas R., được các công tố viên mô tả là gián điệp của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS).
Cặp vợ chồng Herwig F. và Ina F đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một trường đại học Đức thông qua công ty của họ, bao gồm việc chuẩn bị một nghiên cứu cho nhân viên MSS về các bộ phận máy móc có thể sử dụng cho động cơ hàng hải như trên tàu chiến.
Theo cơ quan điều tra Đức, các nghi phạm cũng đã thay mặt MSS mua thiết bị chiếu tia năng lượng cao laser đặc biệt từ Đức và xuất khẩu nó sang Trung Quốc mà không được phép, nhưng không nêu rõ loại tia laser này có thể được sử dụng để làm gì.
Các công tố viên cho biết các vụ bắt giữ được thực hiện trên cơ sở thông tin do cơ quan tình báo nội địa Đức thu thập.
Tuần trước, Đức đã bắt giữ hai công dân Nga gốc Đức vì tình nghi làm gián điệp cho Nga . Họ được cho là đã âm mưu tấn công phá hoại nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ quân sự của Đức dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.