Đức bắt đầu rút quân khỏi một quốc gia Tây Phi

Ngày 3/5, binh sĩ Đức đã bắt đầu rút khỏi Mali, trong bối cảnh Berlin đặt mục tiêu kết thúc sứ mệnh tại quốc gia Tây Phi này vào tháng 5/2024.

Berlin đã triển khai khoảng 1.000 binh sĩ tới Mali để tham gia sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP)

Berlin đã triển khai khoảng 1.000 binh sĩ tới Mali để tham gia sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP)

Trả lời phỏng vấn nhật báo Tagesspiegel, Chỉ huy lực lượng Đức ở Mali Heiko Bohnsack xác nhận, quân đội nước này đã bắt đầu chuyển đi những lô trang thiết bị đầu tiên.

Trong giai đoạn đầu rút quân, Đức sẽ rút dần các thiết bị, trong khi binh sĩ sẽ duy trì các phương tiện để thực hiện nhiệm vụ.

Cũng trong ngày 3/5, Đức đã mở đường cho việc gia hạn một năm cuối cùng của sứ mệnh đã kéo dài 10 năm qua cho đến tháng 5/2024. Quyết định này vẫn cần sự chấp thuận của Hạ viện Đức.

Berlin đã triển khai khoảng 1.000 binh sĩ tới Mali, phần lớn gần thị trấn Gao ở miền Bắc Mali, nơi nhiệm vụ chính của họ là thu thập thông tin trinh sát cho phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSMA).

Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Đức thông báo họ sẽ rút quân đội khỏi Mali vào tháng 5/2024, nhưng cũng để ngỏ khả năng có thể rút quân sớm hơn nếu không thể điều khiển máy bay không người lái.

Berlin cho rằng, việc máy bay người lái không thể hoạt động có thể khiến binh lính phải mạo hiểm bên ngoài căn cứ quân sự.

Tuy nhiên, ngày 30/1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, trong điều kiện hiện tại, họ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình tại Mali và việc ở lại cho đến tháng 5/2024 "chẳng có ý nghĩa gì".

Việc sử dụng máy bay không người lái, cũng giống như với máy bay và trực thăng, phải được chính phủ Mali chấp thuận trước. Tuy nhiên, trong năm 2022, việc này không được quốc gia Tây Phi duyệt hoặc được phê duyệt khá chậm trễ.

Chính phủ Đức không muốn rút quân trước 5/2024 là do Mali đã lên kế hoạch tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 2 cùng năm.

Kể từ năm 2012, Mali đã bị bạo lực tàn phá, khi các nhóm thánh chiến nổi dậy ở phía Bắc đất nước. Sau đó, bạo lực lan sang các quốc gia khác ở khu vực Sahel của Tây Phi, bất chấp cộng đồng quốc tế triển khai những phản ứng quân sự tốn kém.

(theo Reuters)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-bat-dau-rut-quan-khoi-mot-quoc-gia-tay-phi-225784.html