Đức: Bệnh viện quá tải vì COVID-19, phải chuyển bớt bệnh nhân sang Ý
Trong bối cảnh giường chăm sóc đặc biệt (ICU) chật kín chỗ và thiếu hụt nhân viên y tế, một bệnh viện ở Freising (bang Bavaria, Đức) đã đưa ra quyết định chưa từng có, là chuyển một bệnh nhân COVID-19 đến miền Bắc nước Ý để điều trị.
Một nhà hàng ở Marburg (Đức) chỉ phục vụ khách đã tiêm chủng hoặc vừa khỏi COVID-19. Ảnh: Reuters
Trải qua 18 tháng đại dịch, Đức từng nhiều lần tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ các nước láng giềng. Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ tư đã khiến số ca bệnh chạm mốc kỷ lục ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Số bệnh nhân nằm giường ICU chưa lên tới mức đỉnh của một năm trước, nhưng các bệnh viện ở nhiều nơi trên khắp nước Đức vẫn rơi vào tình trạng quá tải do thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng, buộc Berlin phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU).
“Tuần trước, chúng tôi đã phải chuyển một bệnh nhân đến Merano (Ý) bằng trực thăng”, bác sĩ Thomas Marx (43 tuổi), lãnh đạo một bệnh viện ở Freising (Đức) cho biết. “Chúng tôi không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân, và các bệnh viện khác ở bang Bavarian cũng đã kín chỗ.”
Đến cuối tuần, bệnh viện của bác sĩ Marx phải tiếp tục chuyển một bệnh nhân khác đến thị trấn khác của Bavaria là Regensburg. “Chúng tôi đã bị đẩy đến giới hạn. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải làm cách này”, ông Marx nói. Bệnh viện của ông hiện đang điều trị khoảng 13 bệnh nhân nặng, gấp ba lần năng suất thông thường. Năm người trong số đó là bệnh nhân COVID-19, và tất cả đều chưa được chủng ngừa.
Tỷ lệ tiêm chủng của Đức đã “giậm chân tại chỗ” ở mức chưa đến 70% trong những tuần gần đây. Các quan chức y tế hàng đầu nước này không ngừng vận động người dân đi tiêm phòng nhằm làm chậm lại đà tăng số ca bệnh. Quốc hội Đức cũng sẵn sàng bỏ phiếu thông qua các quy định mới, áp đặt lệnh hạn chế chặt chẽ hơn đối với những người chưa tiêm chủng. Theo dự thảo luật gửi Hạ viện và Thượng viện Đức, những người chưa tiêm vắc xin sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính để sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến văn phòng.
Ngoài tỷ lệ tiêm chủng thấp, hệ thống y tế Đức còn gặp khó khăn do thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Bác sĩ Niklas Schneider (Phòng khám Schwabing ở Munich) cho biết số lượng nhân viên y tế hiện ít hơn nhiều so với những đợt dịch đầu tiên.