Đức: Biến thể phụ BA.5 gia tăng, nhân viên y tế kiệt sức
Các bệnh viện ở Đức đang gặp khó khi giường bệnh chật kín và nhân viên điều dưỡng cũng bị nhiễm Covid-19. Ngay cả những nhân viên y tế mới ra trường cũng phàn nàn vì áp lực công việc.
Trong những tháng qua, nhân viên điều dưỡng Georg Goutríe nhận nhiệm vụ chăm sóc các bà mẹ và trẻ em tại bệnh viện Charité ở Berlin. Với hơn 3.000 giường bệnh, Charité là một trong những bệnh viện lớn nhất ở châu Âu.
Quá trình đào tạo ba năm để trở thành y tá của anh Goutríe bắt đầu ngay giữa đại dịch Covid-19. Trong thời gian đó, anh và các học viên khác phải đối mặt với những thách thức mà hầu hết các phòng khám trên khắp đất nước phải trải qua: Toàn bộ các phòng khám bị đóng cửa, hoạt động bị trì hoãn và nhân viên di chuyển đi các nơi để chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Hiện tại, anh Goutríe có thể gặp phải tình huống tương tự khi các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng.
Biến thể Omicron mới
Trong hai năm qua, số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng giảm trong mùa Hè, khi mọi người dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời và đi du lịch nhiều nơi. Đây là quãng thời gian tương đối đỡ áp lực hơn đối với các nhân viên y tế.
Nhưng năm nay thì khác. Theo Hội bác sĩ Marburger Bund, số ca bệnh đang tăng lên ngay cả trong mùa Hè và hệ thống y tế đã đạt đến giới hạn. Trong khi vào đầu tháng 6, tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày thấp nhất trong cả năm, nhưng sau đó các con số tăng lên nhanh chóng.
Một lý do được đưa ra là vì biến chủng phụ BA.5 mới. Nó thậm chí còn dễ lây lan hơn các biến thể trước đó. Các chuyên gia nói rằng, chủng virus mới này có thể lây lan nhanh chóng vào mùa Hè.
Những người đã được tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh sau khi nhiễm biến thể Omicron cũng không an toàn. Được biết, hai phần ba số ca nhiễm Covid-19 tại Đức hiện nay là do biến thể phụ BA.5.
Sự lây lan càng diễn ra nhanh chóng khi các nhà chức trách nới lỏng các biện pháp hạn chế. Người dân ở Đức không còn bị giới hạn tiếp xúc hoặc yêu cầu phải đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian công cộng. Nhiều người dân đã đi du lịch và tham dự các sự kiện đông người.
Các quy định xét nghiệm nhanh miễn phí đã bị bãi bỏ do vấn đề chi phí. Bộ trưởng Y tế, ông Karl Lauterbach cho biết, dịch vụ này đã tiêu tốn 1 tỷ Euro (khoảng 1 tỷ USD) mỗi tháng.
Hiện tại, một số trường hợp cần xét nghiệm nhanh được yêu cầu trả 3 USD chi phí. Việc phải trả phí xét có thể cản trở người có triệu chứng nghi ngờ Covid-19 đi xét nghiệm.
Lo ngại của nhân viên y tế
Với số ca Covid-19 tăng liên tục, các bệnh viện lo ngại đến mùa Thu và mùa Đông, các ca bệnh sẽ tiếp tục nhân lên. Một trong những hệ thống phòng khám lớn nhất ở phía Bắc bang Schleswig-Holstein đã đóng cửa hai địa điểm vào đầu tháng 7 do quá nhiều nhân viên bị nhiễm virus.
Báo cáo của đơn vị chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Agaplesion ở Hamburg chỉ ra: "SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến nhân viên của chúng tôi, tỷ lệ đau ốm trong lực lượng y tế cao hơn bình thường".
Văn phòng báo chí của bệnh viện cho biết: "Chúng tôi phải tăng cường thêm giường bệnh do số bệnh nhân tăng. Hiện đang giữa mùa Hè. Vì vậy, chúng tôi khá lo ngại về mùa Thu và Đông sắp tới".
Bệnh nhân tăng, trách nhiệm lớn
Nhưng Covid-19 chỉ là một vấn đề trong hệ thống y tế Đức. Đại dịch làm lộ rõ các điều kiện làm việc vốn đã bấp bênh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở nước này.
Từ năm 2016, Sáng kiến The Walk of Care đã và đang nỗ lực hành động để khắc phục những vấn đề bất công đối với các nhân viên y tế. Sáng kiến kêu gọi các điều dưỡng tham gia cuộc vận động chính sách nhằm hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe và tài chính tốt hơn cho nhân viên y tế.
Anh Goutríe nói: “Ở Đức, trung bình một y tá phải chăm sóc khoảng 13 bệnh nhân, trong khi ở Hà Lan, mỗi y tá chỉ cần chăm sóc 5 người. Làm sao tôi có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc cho 13 bệnh nhân cùng một lúc?".
Nhân viên này cho rằng, trong nhiều năm qua, ở tất cả các phòng khám ngoại trú và trong bệnh viện, các điều dưỡng đã làm hết sức mình. Các điều kiện làm việc hạn chế ảnh hưởng nặng nề nhất đến phụ nữ vì họ chiếm hơn 2/3 số điều dưỡng trên cả nước.
Những nữ điều dưỡng không có thời gian nghỉ sau giờ hành chính vì bận chăm sóc con nhỏ. Ngoài ra, anh Goutríe cho biết thêm, nhiều nữ y tá đã phải chịu nạn phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính tại nơi làm việc, phải vật lộn để tìm vị trí mới.
Theo Viện Kinh tế Đức, quốc gia này có thể thiếu khoảng 307.000 nhân viên điều dưỡng vào năm 2035.
Vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ với nhiều nhân viên y tế. Các điều kiện làm việc hạn chế, có khi phải làm việc ngoài giờ với mức lương thấp tạo ra căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Kiệt sức hay chai sạn?
Kiệt sức là một chủ đề được nhắc đến nhiều trong ngành điều dưỡng. Nhưng cũng có một hiện tượng được gọi là "coolout" (chai sạn) đang trở nên phổ biến hơn ở Đức.
"Đó là khi bạn không quan tâm đến bất cứ điều gì. Không có gì có thể ảnh hưởng tới bạn nữa. Đó là trạng thái hoàn toàn quá tải. Bạn chăm sóc mọi người trong tình trạng mệt mỏi", điều dưỡng Goutríe cho biết thêm chính điều này dẫn đến những sai lầm hoặc thậm là chí bạo lực đối với bệnh nhân.
Vào tháng 6/2021, một số chính trị gia Đức tuyên bố sẽ khởi động một chính sách cải cách cho nhân viên điều dưỡng. Cải cách nhằm giảm bớt sự căng thẳng trong công việc, khắc phục tình trạng thiếu nhân lực lành nghề, tạo ra mức lương tốt hơn, tiếng nói trọng lượng hơn cho nhân viên điều dưỡng.
Các điều dưỡng như anh Goutríe vẫn đang mong chờ điều đó!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-bien-the-phu-ba5-gia-tang-nhan-vien-y-te-kiet-suc-191256.html