Đức chi mạnh cho mua sắm quốc phòng

Quốc hội Đức đã thông qua một loạt kế hoạch mua sắm quốc phòng do Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đề xuất, trong đó đáng chú ý là kế hoạch mua các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất.

ABC News ngày 15-12 đưa tin, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức đã thông qua các kế hoạch mua sắm quốc phòng trị giá tổng cộng gần 13 tỷ euro (gần 13,8 tỷ USD) trong bối cảnh Berlin nỗ lực tăng cường sức mạnh quốc phòng. Reuters cho biết, chỉ riêng kế hoạch mua sắm các máy bay F-35 đã trị giá 10 tỷ euro (khoảng 10,6 tỷ USD). F-35 được Lầu Năm Góc quảng cáo là “loại máy bay có mức giá hợp lý nhất, có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”, trong khi AFP gọi đây là “loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới”. Hồi giữa tháng 3-2022, Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch thay thế các máy bay ném bom già cỗi Tornado bằng 35 chiếc F-35 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân. Kế hoạch này cần được Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức thông qua. Các máy bay Tornado được không quân Đức sử dụng từ thập niên 1980 và Berlin có kế hoạch cho chúng “về vườn” trong giai đoạn 2025-2030. “Giới chức Đức đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhưng các kế hoạch mua sắm quốc phòng cần phải được đàm phán kỹ lưỡng bởi đó là tiền thuế”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht giải thích lý do tại sao đến nay Ủy ban Ngân sách của Quốc hội mới thông qua các đề xuất của Chính phủ.

Máy bay F-35 tại Triển lãm hàng không quốc tế ILA ở Berlin, tháng 4-2018. Ảnh: Reuters

Máy bay F-35 tại Triển lãm hàng không quốc tế ILA ở Berlin, tháng 4-2018. Ảnh: Reuters

Sau khi kế hoạch được Quốc hội Đức thông qua, giới chức Mỹ thông báo thương vụ F-35 đã được hai bên ký kết. AFP dẫn một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Berlin cho biết, 35 chiếc F-35 sẽ được bàn giao cho phía Đức trong giai đoạn 2026-2029. Tuyên bố nhấn mạnh, thương vụ sẽ bảo đảm "việc Đức tiếp tục thực hiện các cam kết trong liên minh cũng như năng lực răn đe đáng tin cậy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai". “Quan hệ đối tác quốc phòng giữa Đức và Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế và là một trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương trong NATO”, tuyên bố khẳng định.

ABC News cho biết, các kế hoạch mua sắm quốc phòng được thông qua trong bối cảnh giới chức Đức nhiều lần thừa nhận quân đội nước này trong nhiều năm qua “thiếu được quan tâm”, đặc biệt là các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế “trở nên già cỗi, hoạt động kém hiệu quả”. Một báo cáo được công bố hồi cuối năm ngoái về tình hình quân đội Đức cho thấy, có chưa tới 30% tàu hải quân Đức “đủ khả năng hoạt động hoàn toàn” trong khi nhiều máy bay chiến đấu của nước này “không đủ điều kiện để bay”.

Theo Reuters, nguồn tài chính cho các kế hoạch mua sắm quốc phòng mới được thông qua là trích từ một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (khoảng 106 tỷ USD). Quỹ này-vốn được Quốc hội Đức thông qua hồi tháng 6-2022 - nằm ngoài ngân sách quốc gia, được sử dụng để mua sắm trang thiết bị cho quân đội. Trong vài năm tới, quỹ đặc biệt nói trên sẽ giúp Đức tăng ngân sách thường xuyên cho quốc phòng hiện khoảng 50 tỷ euro. Theo các ước tính hiện nay, đến cuối năm 2026, quỹ đặc biệt có thể được chi hết. Sau đó, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục lên kế hoạch cung cấp nguồn tài chính cần thiết. “100 tỷ euro có thể sẽ là chưa đủ để thu hẹp các khoảng cách xuất hiện trong những năm qua bởi vì chúng ta đã lơ là việc mua sắm”, Bộ trưởng Lambrecht nhận định.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/duc-chi-manh-cho-mua-sam-quoc-phong-713975