Đức chịu sức ép viện trợ Ukraine khi Mỹ tạm hoãn giao vũ khí
Một nhóm nghị sĩ Đảng Xanh kêu gọi Thủ tướng Merz nâng viện trợ quân sự cho Ukraine lên ít nhất 8,5 tỷ euro, giữa lúc Mỹ tạm hoãn chuyển giao nhiều loại vũ khí chiến lược.
Trong bức thư do tờ Bild công bố, các nghị sĩ Robin Wagener, Sara Nanni, Sebastian Schäfer và Anton Hofreiter cho rằng mức tăng từ 7,1 tỷ euro (7,7 tỷ USD) lên 8,3 tỷ euro (9,0 tỷ USD) là chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, đồng thời đề xuất nâng con số này lên ít nhất 8,5 tỷ euro (9,2 tỷ USD) và duy trì đến năm 2029.
Nhóm nghị sĩ - những người thuộc nhóm ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất tại Bundestag - lập luận chính phủ liên bang hoàn toàn có thể điều chỉnh trong khuôn khổ ngân sách hiện tại. Họ nhấn mạnh rằng các giới hạn hiến pháp về nợ công có thể được vượt qua thông qua những điều khoản miễn trừ đặc biệt, nếu được coi là cần thiết cho an ninh quốc gia.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022, Đức đã viện trợ gần 16 tỷ euro (17,3 tỷ USD) cho Kiev, trong đó hơn 11,2 tỷ euro (12,1 tỷ USD) là vũ khí và thiết bị quân sự. Berlin hiện là nhà tài trợ lớn thứ ba sau Mỹ và Anh.

Binh sĩ Ukraine di chuyển trên xe tăng trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Tuy nhiên, việc Mỹ tạm dừng hoặc chậm chuyển giao nhiều loại đạn dược trọng yếu - như tên lửa Patriot, Hellfire, GMLRS và đạn pháo 155mm - đã đặt châu Âu, đặc biệt là Đức, trước áp lực phải chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Merz công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 153 tỷ euro (165,2 tỷ USD) vào năm 2029 - gần gấp đôi so với mức 86 tỷ euro (92,9 tỷ USD) của năm nay. Ông cũng cam kết phân bổ 3,5% GDP cho quốc phòng, theo định hướng mới của NATO nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng rõ rệt từ Nga.
Tuy nhiên, chính sách này đang vấp phải làn sóng chỉ trích trong nước. Đảng Cánh hữu AfD - lực lượng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử gần đây - cảnh báo chi tiêu quân sự tăng cao có thể gây căng thẳng lên ngân sách quốc gia và đẩy ngành công nghiệp Đức vào thế khó.
Đọc thêm: Podcast: viện trợ bị tạm dừng, Ukraine đối mặt nguy cơ đứt gãy phòng thủ
Nền kinh tế vốn đã phải đối mặt với chi phí năng lượng leo thang, tác động từ lệnh trừng phạt Nga và bế tắc thương mại với Mỹ.
AfD đã kêu gọi chấm dứt hoàn toàn các chuyến hàng vũ khí tới Ukraine và khôi phục hợp tác năng lượng với Moscow. Trong tuyên bố mới nhất, lãnh đạo đảng này yêu cầu Thủ tướng Merz mở đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược lâu dài của nước Đức.
Phản hồi trước các đề xuất này, Điện Kremlin cho biết vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Berlin, nhưng nhấn mạnh rằng động thái đầu tiên phải đến từ phía Đức - quốc gia từng cắt đứt quan hệ song phương.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người trước đây ủng hộ việc đưa quân đội Pháp đến Ukraine, gần đây đã thể hiện lập trường mềm mỏng hơn.
Đầu tuần này, ông đã có cuộc điện đàm với ông Putin - cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau gần ba năm - mở ra hy vọng mong manh về một kênh đối thoại mới trong bối cảnh xung đột tiếp tục kéo dài.