Đức chống tắc nghẽn nguồn cung thuốc
Chính phủ Đức vừa thông qua dự luật mới về cải thiện và chống tắc nghẽn nguồn cung thuốc. Đây được xem là một nỗ lực nhằm làm giảm bớt tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh như đã xảy ra trong thời gian qua.
Trong dự luật mới, một loạt các biện pháp đã được thống nhất như: nới lỏng các quy định về giá đối với thuốc dành cho trẻ em, đa dạng hóa các nhà cung cấp dược phẩm, khi đấu thầu các hợp đồng bảo hiểm y tế cần tính đến cả các loại thuốc sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU) và khu vực kinh tế châu Âu, cải thiện nguồn cung của các nhà thuốc trong bệnh viện và các nhà thuốc cung cấp cho bệnh viện, tăng cường dự trữ các loại thuốc cần thiết...
Phát biểu sau khi dự thảo luật được chính phủ thông qua, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho rằng, những năm gần đây, nước này đã tiết kiệm quá mức trong việc cung cấp dược phẩm. Thông qua dự luật mới, chính phủ liên bang đang thay đổi điều đó với việc làm cho nước Đức trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là một thị trường thuốc.
Đồng thời, dự luật cũng sẽ giúp tăng cường hoạt động sản xuất thuốc tại châu Âu và cải thiện cơ chế ứng phó trước những tình huống bất ngờ. Mục tiêu là tránh tắc nghẽn thị trường thuốc như đã xảy ra trong mùa đông vừa qua.
Theo Bộ Y tế Đức, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung thuốc vốn đã gia tăng đáng kể đang gây nguy hiểm cho việc cung ứng thuốc theo nhu cầu của xã hội, đặc biệt là đối với thuốc kháng sinh.
Luật mới về cải thiện và chống tắc nghẽn nguồn cung thuốc sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp thuốc và giảm phụ thuộc vào một số ít nhà sản xuất như Trung Quốc hoặc Ấn Độ, qua đó giúp củng cố “xương sống” của ngành chăm sóc sức khỏe. Theo quy trình lập pháp, dự luật này sẽ được trình lên Quốc hội Liên bang Đức để xem xét trước khi được ban hành thành luật chính thức.
Tình trạng thiếu thuốc không chỉ diễn ra tại Đức mà còn xuất hiện tại nhiều nước châu Âu. Lý do xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá thành sản xuất tăng cao, nhiều công ty dược phẩm châu Âu không muốn mở rộng quy mô cung cấp dược phẩm, trong đó có thuốc kháng sinh. Nhiều nơi khác đang phải vật lộn để kiếm đủ tiền sản xuất nên việc tăng sản lượng thuốc là gần như không thể.
Hiện kháng sinh chiếm khoảng 70% tổng số dược phẩm được phân phối tại châu Âu, nhưng chỉ nhận được 29% số tiền các cơ quan y tế quốc gia chi cho thuốc. Nhiều nhà sản xuất thuốc kháng sinh cho biết, hệ thống đấu thầu và giá cả được quy định đã khiến lợi nhuận thuốc chạm đáy, doanh nghiệp dược cũng do vậy mà liên tục cắt giảm sản lượng.
Chủ các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm ở châu Âu cho rằng, việc xem xét lại kế hoạch định giá là cách duy nhất để khôi phục hoạt động sản xuất thuốc kháng sinh tại châu Âu. Biện pháp này vừa tránh tình trạng thiếu hụt thuốc trong tương lai, vừa giúp lục địa già giảm sự phụ thuộc vào châu Á.
Từ cuối năm ngoái, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Ủy ban châu Âu (EC) đã nhiều lần gặp gỡ các nhà sản xuất thuốc và nhóm thương mại kể từ khi tình trạng thiếu hụt được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 10-2022.
Tuy nhiên, theo các bên liên quan, vẫn chưa có hành động lớn nào được công bố. EC đang đề xuất các biện pháp bao gồm yêu cầu nhà sản xuất nắm giữ nguồn cung dự trữ lớn hơn và đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng thiếu hụt.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/duc-chong-tac-nghen-nguon-cung-thuoc-post685022.html