Đức chuẩn bị dỡ bỏ cảnh báo đi lại với châu Âu
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2-6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2-6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Maas nêu rõ: “Chúng tôi quyết định để đưa ra biểu quyết trong Nội các vào ngày 3-6”. Theo kế hoạch này, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15-6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Trước đó, hồi tháng 3-2020, Chính phủ Đức đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với việc đi lại ở châu Âu, biện pháp sẽ có hiệu lực cho đến ngày 14-6 tới. Hồi tháng 4 vừa qua, ông Maas từng cho rằng, do tình hình dịch bệnh, khó có thể có một “mùa du lịch bình thường” trong mùa hè này. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đã có những tiến triển tốt và nhiều nước đã nới lỏng giãn cách xã hội, Đức đã cân nhắc lại quyết định cảnh báo đi lại với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và một số nước châu Âu như Thụy Sĩ, Iceland và Na Uy.
Li-bi: Tái khởi động đàm phán về ngừng bắn
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 2-6, Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Li-bi (UNSMIL) thông báo, các bên xung đột tại quốc gia Bắc Phi này đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn, sau nhiều tuần giao tranh ác liệt tại Thủ đô Tơ-ri-pô-li. UNSMIL hoan nghênh các bên liên quan nối lại các cuộc đàm phán dựa trên các cuộc họp theo hình thức 5+5 diễn ra trước đó, với sự tham gia của năm sĩ quan cấp cao do mỗi bên chỉ định. Trong vài tuần trở lại đây, Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) đã đánh bật lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) ra khỏi một số vùng thuộc miền tây bắc. Tuy nhiên, ngày 1-6 quân đội của LNA tái chiếm một số khu vực. Hai bên đã thống nhất thiết lập hai lệnh ngừng bắn trong năm nay, tuy nhiên các cuộc pháo kích và xung đột vẫn tiếp diễn./.