Đức chuyển giao nhiều khí tài quân sự cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Đức xác nhận đã chuyển giao cho Ukraine 20 pháo tự hành Gepard nhằm hỗ trợ Kiev tăng cường năng lực đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Theo trang tin Armyrecognition, Đức vừa công bố danh sách các thiết bị quân sự và phương tiện chiến đấu được chuyển giao cho các lực lượng vũ trang Ukraine. Đáng chú ý là 20 pháo tự hành Gepard và 16 xe tăng Biber.

Pháo tự hành Gepard của Đức. Ảnh: Getty Images

Pháo tự hành Gepard của Đức. Ảnh: Getty Images

Hệ thống pháo tự hành Gepard được phát triển từ những năm 1960 và được đưa vào biên chế của quân đội Đức từ những năm 1970. Nhiều thập niên qua, Gepard đã trở thành một trong những vũ khí chủ lực của lực lượng phòng không Đức.

Gepard được phát triển dựa trên khung gầm xe tăng Leopard 1. Ảnh: Defense Brief

Gepard được phát triển dựa trên khung gầm xe tăng Leopard 1. Ảnh: Defense Brief

Gepard có khối lượng 47.5 tấn; chiều dài 7.68m; chiều rộng 3.71m và chiều cao 3.29m với kíp chiến đấu của gồm 3 người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h và tầm hoạt động 550km.

Gepard được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái và đối phó với các mục tiêu trên mặt đất.

Gepard khai hỏa. Ảnh: defesanet

Gepard khai hỏa. Ảnh: defesanet

Gepard được phát triển dựa trên khung gầm xe tăng Leopard 1 và được nâng cấp nhiều lần với các thiết bị điện tử hiện đại.

Pháo tự hành này được trang bị hai khẩu pháo 35mm KDA Oerlikon Contraves với tốc độ bắn 550 phát/phút; sơ tốc đầu nòng đạt 1.175 m/s và tầm bắn hiệu quả lên tới 4km. Ngoài ra, pháo có tầm bắn tối đa 5.5km với loại đạn FAPDS.

Thông số loại đạn 35 x 228mm của Gepard. Ảnh: cartridgecollectors

Thông số loại đạn 35 x 228mm của Gepard. Ảnh: cartridgecollectors

Pháo tự hành có cơ số đạn theo biên chế là 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76mm.

Gepard sử dụng hai radar bao gồm radar tìm kiếm Doppler xung đặt ở phía sau nóc tháp pháo và một radar theo dõi gắn ở phía trước tháp pháo. Các radar lắp trên Gepard có thể phát hiện mục tiêu đối phương ở khoảng cách tối đa là 15km.

Gepard được kỳ vọng giúp Kiev ‘thay đổi cuộc chơi’. Ảnh: Reuter

Gepard được kỳ vọng giúp Kiev ‘thay đổi cuộc chơi’. Ảnh: Reuter

Ưu điểm của pháo phòng không Gepard là vũ khí có thể được khai hỏa tự động dựa vào radar theo dõi mục tiêu hoặc kíp lái có thể điều khiển bằng tay. Hệ thống có thể đối phó với xe bọc thép, xe chiến đấu của đối phương khi sử dụng đạn xuyên giáp.

Như Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/duc-chuyen-giao-nhieu-khi-tai-quan-su-cho-ukraine-post1469006.tpo