Đức có thể phải vay ròng ít nhất 80 tỷ euro ngăn tác động của COVID-19
Động thái này cho thấy quyết tâm của Đức trong việc thay đổi hình ảnh, vốn được xem là nước đi đầu về sự khắc khổ, và củng cố vai trò mới là nước chi tiêu mạnh nhất ở Eurozone để phục hồi kinh tế.
Theo một nguồn tin thân cận, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đang làm việc về ngân sách 2021, theo đó nước này sẽ vay ròng ít nhất 80 tỷ euro (94,5 tỷ USD) để tài trợ cho các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch COVID-19.
Động thái trên cho thấy quyết tâm của Bộ trưởng Scholz trong việc làm thay đổi hình ảnh của nước Đức, vốn được xem là nước đi đầu về sự khắc khổ, và củng cố vai trò mới là nước chi tiêu mạnh nhất ở Khu vực sử dụng đồng euro để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Nguồn tin trên cho hay con số nợ chính xác sẽ tùy thuộc vào các cuộc làm việc với chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel, nhưng ông Scholz đang nỗ lực không để số nợ ròng mới vượt 100 tỷ euro trong năm tới.
Điều đó sẽ buộc Đức một lần nữa phải bỏ trần nợ được quy định trong Hiến pháp như năm nay, mặc dù ông Scholz muốn tuân thủ các quy định tài chính từ năm 2022 trở đi.
Ông Scholz trong năm nay đã yêu cầu Quốc hội dừng áp dụng quy định về trần nợ và cho phép Chính phủ Liên bang vay số tiền kỷ lục khoảng 218 tỷ euro. Điều này có nghĩa tổng mức nợ ròng mới của Đức trong năm nay và năm tới có thể vượt 300 tỷ euro.
Đức dự kiến nợ của nước này sẽ tăng lên khoảng 77% GDP trong năm 2020, từ mức dưới 60% GDP năm 2019.
Tổng thâm hụt ngân sách trong lĩnh vực công sẽ vượt 7,25% GDP trong năm nay, sau khi đạt thặng dư 1,5% trong năm ngoái.
Bộ Tài chính Đức dự kiến sẽ cập nhật các số liệu về thu thuế trong tuần tới. Tiếp đó, ông Scholz sẽ công bố đề xuất ngân sách của Chính phủ Liên bang năm 2021 để chính phủ đưa ra bỏ phiếu vào ngày 23/9./.