Đức đã tiêm vaccine cho một nửa dân số, Nhật nỗ lực tiêm trước Olympic

Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đang tiếp tục được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia đã tiêm mũi thứ nhất cho trên 50% dân số.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức, ngày 8/5/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức, ngày 8/5/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đang tiếp tục được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia đã tiêm mũi thứ nhất cho trên 50% dân số.

Hơn 50% dân số Đức đã tiêm ít nhất một mũi vaccine

Cho đến nay, hơn 50% dân số nước Đức đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/6 về tình hình đại dịch COVID-19 tại Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cho biết, tính đến sáng 18/6, đã có 41,5 triệu người - tương đương 50,1% dân số Đức - đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19. Trong số những người đã tiêm phòng, 29,6% người đã được tiêm đủ liều.

Số liệu của Bộ Y tế Đức cho thấy 7/16 bang của nước này đã đạt hoặc vượt ngưỡng 50% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó thành phố Bremen đứng đầu với 55,6%.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Spahn cho biết chiến dịch tiêm chủng tại Đức đang đạt được những bước tiến dài.

Với số lượng vaccine cung cấp như kế hoạch, đến đầu tháng 8 tới, chỉ riêng nguồn cung vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna cũng đã đủ tiêm ít nhất một mũi cho tất cả những người trưởng thành có mong muốn tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Spahn cảnh báo biến thể Delta đang lan nhanh tại Đức, do đó người dân vẫn cần hết sức cảnh giác.

Trong khi đó, Chủ tịch Viện RKI Lothar Wieler cho biết đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biến mất và có thể sẽ không biến mất. Nếu các biện pháp phòng dịch được nới lỏng quá sớm, virus có thể lây lan trở lại rất nhanh, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm phòng.

Ông Wieler nêu rõ, tại Đức, biến thể Delta hiện chiếm 6,2% số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong tuần đầu tiên của tháng 6 (trong tuần trước đó tỷ lệ này là 3,7%), và tỷ lệ này vẫn đang tăng lên.

Điều này đồng nghĩa 50% dân số Đức vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ. Do đó, theo ông, các biện pháp phòng dịch hiện tại nên được duy trì ít nhất cho tới mùa Thu khi tất cả những người muốn tiêm phòng đều có cơ hội được tiêm đầy đủ.

Áo cung cấp vaccine cho các nước vùng Tây Balkan

Ngày 18/6, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết nước này sẽ viện trợ một triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia vùng Tây Balkan. Số vaccine này không nằm số vaccine mà Áo cung cấp thông qua chương trình phân bổ vaccine của Liên minh châu Âu.

Thông tin trên được Thủ tướng Kurz công bố tại cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp các nước Balkan.

Trước đó, EU đã thông báo kế hoạch bàn giao 651.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các nước Bosnia-Herzegovina, Albania, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia từ đầu tháng 5 tới. Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cho biết EU cam kết không để khu vực này bị bỏ lại phía sau.

Từ tháng 1/2021, Ủy ban châu Âu đã công bố cơ chế chia sẻ vaccine, nhưng cơ chế này không được các nước giàu có đón nhận tích cực do nguồn cung vaccine không đảm bảo ảnh hưởng đến chính tốc độ tiêm chủng của những nước này./.

Hàn Quốc sử dụng vaccine Pfizer làm mũi tăng cường

Chính phủ Hàn Quốc ngày 18/6 thông báo quyết định sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer làm mũi tăng cường cho 760.000 người đã tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca do việc chậm trễ trong việc chuyển giao vaccine loại này trong khuôn khổ chương trình COVAX.

760.000 người tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca đều là nhân viên y tế và lực lượng ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc. Tất cả số mũi tiêm này đều được thực hiện trong tháng 4 vừa qua.

Theo kế hoạch, số người này sẽ tiêm mũi thứ 2 của AstraZeneca vào cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, chuyến hàng vacine của AstraZeneca dự kiến chuyển tới Hàn Quốc sẽ bị chậm lại cho đến tháng 7 hoặc muộn hơn. Do đó, Hàn Quốc quyết định sử dụng vaccine của Pfizer tiêm chủng cho số người này.

Trên thực tế, một số nước như Canada và Tây Ban Nha đã sử dụng vaccine của Pfizer làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Theo một nghiên cứu của Tây Ban Nha, việc sử dụng vaccine của Pfrizer làm mũi 2 tăng cường cho người đã tiêm chủng mũi 1 của AstraZeneca tăng hiệu quả phòng bệnh và an toàn hơn.

Các tập đoàn lớn Nhật Bản tham gia nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng của Chính phủ

Tại Nhật Bản, các tập đoàn lớn như hãng sản xuất xe ô tô Toyota và ngân hàng Softbank tham gia nỗ lực chung của Chính phủ nước này đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh Olympic Tokyo chuẩn bị diễn ra.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản ngày 15/6/2021. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản ngày 15/6/2021. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN)

Từ sáng 18/6, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã thiết lập các trạm y tế để triển khai tiêm chủng cho đội ngũ nhân viên, người lao động của các tập đoàn, doanh nghiệp này, cùng thân nhân gia gia đình và cư dân địa phương.

Tính đến nay, đã có 2.300 tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia nỗ lực chung này và dự kiến sẽ có 11 triệu người được tiêm chủng theo cơ chế này.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, đến nay mới chỉ có 16% dân số Nhật Bản được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Nhật Bản đặt mục tiêu đến cuối tháng 7/2021, nước này tiêm chủng cho toàn bộ người lớn tuổi ở nước này và toàn bộ người trong độ tuổi trưởng thành vào cuối tháng 11.

Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Nhật Bản, Taro Kono kỳ vọng với sự hỗ trợ của các tập đoàn và doanh nghiệp, đến cuối tháng 6, Nhật Bản đạt năng lực tiêm chủng 1 triệu mũi/ngày.

New Zealand tăng tốc lộ trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 18/6 đã tiêm chủng mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng đại trà lớn nhất lịch sử của New Zealand.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, tính đến thời điểm hiện tại, New Zealand mới tiêm chủng gần 1 triều liều vaccine ngừa COVID-19, xếp thứ 120 trên thế giới về số lượng tiêm chủng tính trên đầu người.

Mặc dù lộ trình tiêm chủng vaccine của nước này được cho là khá chậm chạp so với nhiều nước tiên tiến khác, nhưng đây lại là một trong số ít các quốc gia đạt thành tích tốt nhất trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Tổng số ca mắc COVID-19 của New Zealand hiện chưa tới 2.800 người và hơn hai tháng gần đây, quốc gia này không ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Thủ tướng Ardern cho biết lý do bà lựa chọn tiêm chủng trong tuần này xuất phát từ mong muốn ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và lao động tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, coi đây là cột mốc quan trọng đánh dấu thời điểm New Zealand triển khải chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Theo chương trình tiêm chủng toàn quốc của New Zealand, những người lớn tuổi, từ 65 tuổi trở lên, sẽ được ưu tiên tiêm trước, bắt đầu từ ngày 28/7 và đối tượng tiêm chủng sau cùng là những người trẻ khỏe mạnh, dưới 35 tuổi, sẽ nhận mũi tiêm thứ nhất kể từ tháng 10 tới.

Bà Ardern khẳng định kế hoạch tiêm chủng quốc gia đang đi theo đúng kế hoạch và trong nửa cuối năm 2020, công tác tiêm chủng sẽ được tăng tốc để đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Trước bà Ardern, một số chính trị gia của New Zealand đã được tiêm phòng, bao gồm Bộ trưởng COVID-19 Chris Hipkin; các nhà lãnh đạo thuộc các đảng nhỏ hơn như ACT và đảng Maori cũng đã tiêm chủng, nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia tiêm chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/duc-da-tiem-vaccine-cho-mot-nua-dan-so-nhat-no-luc-tiem-truoc-olympic/721046.vnp