Đức Dalai Lama và các nhà Nobel kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
GN - Cuối tháng 4-2021, nhân Ngày Trái đất, Đức Dalai Lama và 100 người đoạt giải Nobel khác đã công bố một bức thư trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu với thông điệp rõ ràng cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới: hãy hành động ngay bây giờ để “bảo tồn nguyên vẹn nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất”.
Nội dung bức thư là lời kêu gọi sự ứng phó quyết liệt đối với "vấn đề đạo đức lớn của thời đại chúng ta, đó là khủng hoảng khí hậu và sự tàn phá thiên nhiên", với 101 chữ ký của những người được trao giải Nobel hòa bình, văn học, y học, vật lý, hóa học và khoa học kinh tế. Đây là động lực thúc đẩy 40 nhà lãnh đạo và chính phủ trên toàn thế giới thông qua một mô hình kinh tế và phát triển mới cho phép các nền kinh tế đa dạng hóa khỏi sự phụ thuộc vào dầu, than và khí đốt trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 22 đến ngày 23-4-2021.
Cùng với Đức Dalai Lama, những người ký tên vào bức thư bao gồm các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhà văn và các cựu Tổng thống, người đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thế giới thông qua một “kế hoạch chuyển đổi” sẽ giúp các nền kinh tế phụ thuộc đa dạng hóa nguồn năng lượng tiêu thụ, tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo.
Bức thư nhấn mạnh thông điệp kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng làm việc trên tinh thần hợp tác quốc tế nhằm: Chấm dứt việc mở rộng sản xuất dầu, khí đốt và than đá với nền tảng khoa học tốt nhất hiện có đã được đưa ra bởi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc; Loại bỏ việc sản xuất dầu, khí và than hiện có theo phương thức công bằng và bình đẳng, có tính đến trách nhiệm của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu, sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khả năng chuyển đổi của quốc gia đó; Đầu tư vào kế hoạch chuyển đổi để đảm bảo 100% khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo trên toàn cầu, hỗ trợ các nền kinh tế phụ thuộc đa dạng hóa nguồn năng lượng sử dụng, tránh dùng nhiên liệu hóa thạch và tạo điều kiện cho mọi người và các cộng đồng trên thế giới phát triển thông qua quá trình chuyển đổi toàn cầu.
Nhiên liệu hóa thạch là yếu tố quan trọng nhất gây ra biến đổi khí hậu. Việc chấp nhận mở rộng ngành công nghiệp này là một hành động vô tâm. Hệ thống nhiên liệu hóa thạch thuộc quyền sở hữu toàn cầu và vì vậy, cần một giải pháp chung cho toàn thế giới - một giải pháp mà Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của các nhà lãnh đạo phải hướng tới. Trong đó, bước đầu tiên là giữ nguyên nguồn nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất.