Đức Đạt lai Lạt ma: Dòng truyền thừa sẽ tiếp tục sau khi ngài viên tịch
Với sự xác quyết mạnh mẽ mới đây của Đức Đạt lai Lạt ma, niềm tin vào sự tiếp nối chính truyền dường như đã được củng cố, mở ra hy vọng cho một tương lai tâm linh tiếp nối trong tinh thần truyền thống, tỉnh thức và tự chủ.
Trong một thông điệp ghi hình phát ra trước dịp mừng sinh nhật lần thứ 90 (ngày 6/7), Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14, ngài Tenzin Gyatso đã tuyên bố dứt khoát rằng dòng truyền thừa Đạt lai Lạt ma sẽ tiếp tục sau khi ngài qua đời.
Đây được xem là một trong những phát ngôn mạnh mẽ và rõ ràng nhất của ngài về vấn đề kế thừa tâm linh Tây Tạng, đồng thời cũng là câu trả lời xác quyết sau nhiều năm có những đồn đoán và tranh luận về tương lai của định chế tâm linh này.
“Định chế Đạt lai Lạt ma sẽ tiếp tục”, ngài phát biểu và nhấn mạnh thêm rằng quá trình xác định vị kế thừa phải được tiến hành đúng theo truyền thống xưa nay (Washington Post).

Ảnh: facebook.com
Thông điệp đưa ra trong bối cảnh nhiều người Tây Tạng và các cộng đồng phật tử theo truyền thống Tây Tạng trên khắp thế giới bày tỏ lo ngại về việc kế vị, khi ngài bước vào tuổi cửu tuần.
Phản hồi tâm nguyện cộng đồng và xác lập lộ trình kế thừa
Trong văn bản ngày 21/05 vừa qua, Đức Đạt-lai Lạt-ma viết: “Vào ngày 24/09/2011, tại cuộc họp với các vị đứng đầu các truyền thống tâm linh Tây Tạng, tôi đã phát biểu trước đồng bào trong và ngoài Tây Tạng, cùng tất cả những ai có liên hệ đến Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng, về việc định chế Đạt lai Lạt ma có nên tiếp tục hay không. Tôi từng nói rõ từ năm 1969 rằng: việc truyền thừa có tiếp diễn hay không là quyền quyết định của cộng đồng có liên quan”.
“Tôi cũng đã phát biểu rằng: Khi tôi bước vào tuổi 90, tôi sẽ tham vấn các bậc cao tăng thuộc các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, cộng đồng nhân dân Tây Tạng và những ai quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng, để cùng suy xét lại việc định chế này có nên duy trì hay không”.
Dù trong những năm qua không công khai bàn luận, nhưng theo Đức Đạt lai Lạt ma, suốt 14 năm qua, ngài đã nhận được vô số thư từ, kiến nghị từ các vị lãnh đạo tâm linh, các thành viên Quốc hội Tây Tạng lưu vong, chính quyền Tây Tạng lưu vong, các tổ chức Phật giáo tại dãy Himalaya, vùng Mông Cổ, các nước cộng hòa Phật giáo thuộc Liên bang Nga, và cả Phật tử từ Trung Quốc đại lục. Đặc biệt, nhiều tín tín hiệu từ trong Tây Tạng đã được chuyển đến ngài, tha thiết mong muốn dòng truyền thừa vẫn tiếp tục.
“Trước tất cả những lời thỉnh cầu ấy, tôi chính thức xác quyết rằng định chế Đạt lai Lạt ma sẽ được duy trì”, ngài viết.
Quyền kế thừa: chỉ thuộc về Gaden Phodrang và theo đúng truyền thống
Theo tuyên bố năm 2011, trách nhiệm xác định vị Đạt lai Lạt ma đời tiếp theo sẽ thuộc hoàn toàn về Gaden Phodrang Trust, văn phòng đại diện chính thức của ngài. Tổ chức này sẽ tham vấn các bậc cao tăng uy tín thuộc các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, cùng với các Hộ pháp thệ nguyện có liên hệ mật thiết đến dòng truyền thừa này, để tiến hành đúng các thủ tục tìm kiếm và công nhận theo truyền thống.
“Tôi một lần nữa nhấn mạnh: chỉ Gaden Phodrang mới có quyền xác nhận tái sinh vị Đạt lai Lạt ma đời sau. Không ai khác có quyền can thiệp vào tiến trình này”. (Facebook)
Quyết định cuối cùng và lời nguyện sống lợi tha đến phút cuối
Trước đây, Đức Đạt lai Lạt ma từng cho rằng việc tiếp tục hay không định chế này phụ thuộc vào ý nguyện của người dân Tây Tạng. Trong cuộc phỏng vấn với TIME năm 2004, ngài nói: “Nếu họ cảm thấy điều này không còn cần thiết nữa, thì sẽ không có vị Đạt lai Lạt ma thứ 15”.
Tuy nhiên, với thông điệp mới nhất từ Dharamsala, nơi cư trú của ngài, ngài đã tái khẳng định quan điểm kế thừa truyền thống, dựa trên niềm tin vào tái sinh và vai trò của các vị thầy giác ngộ.
Theo quan kiến Phật giáo Tây Tạng, các bậc giác ngộ có thể tự chọn nơi tái sinh để tiếp tục sứ mệnh độ sinh. Dòng truyền thừa Đạt lai Lạt ma có lịch sử từ năm 1578, khi vị Hãn Altan phong tặng danh xưng này cho ngài Sonam Gyatso (154-1588). Từ đó, hai vị tiền nhiệm của ngài cũng được truy phong và Sonam Gyatso trở thành vị Đạt lai Lạt ma thứ ba trong hệ thống tái sinh hiện nay.
Vị Đạt lai Lạt ma thứ 14, ngài Tenzin Gyatso, sinh năm 1935 tại vùng Amdo (nay thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc), được nhận diện là hóa thân chuyển thế từ lúc 2 tuổi và chính thức đăng đàn vào năm 1940.
Sức khỏe tốt và lời hứa trước sinh nhật thứ 90
Dù tuổi cao, ngài vẫn xuất hiện lạc quan trong lễ cầu nguyện đầu tuần. “Dù tôi đã 90 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn rất tốt,” ngài nói trước khi nếm chiếc bánh sinh nhật truyền thống làm từ bột mạch rang và bơ.
“Trong quãng thời gian còn lại, tôi sẽ tiếp tục dấn thân hết mình vì lợi lạc của tha nhân” (Deutsche Welle).
Tín tâm được củng cố, truyền thống được tiếp nối
Vấn đề kế vị luôn là mối quan tâm sâu sắc với cộng đồng Tây Tạng, cả trong và ngoài nước, đặc biệt trước nguy cơ bị chính trị hóa hoặc xuyên tạc. Tuy nhiên, với sự xác quyết mạnh mẽ mới đây của Đức Đạt lai Lạt ma, niềm tin vào sự tiếp nối chính truyền dường như đã được củng cố, mở ra hy vọng cho một tương lai tâm linh tiếp nối trong tinh thần truyền thống, tỉnh thức và tự chủ.
Tác giả: Buddhistdoor Global/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên
Nguồn: buddhistdoor.net