'Thời cơ vàng' cho du lịch Quảng Ngãi

Việc sáp nhập Kon Tum và Quảng Ngãi là bước đi chiến lược trong tái cấu trúc đơn vị hành chính, đồng thời cũng mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành du lịch khu vực. Khi núi rừng đại ngàn gặp biển xanh cát trắng, khi bản sắc văn hóa Tây Nguyên hòa quyện cùng di sản biển đảo, một bức tranh du lịch 'rừng - biển - đảo' đang dần hiện lên, nhiều màu sắc và đầy sức hút.

Khi đại ngàn gặp biển lớn

Tại lễ công bố Nghị quyết về sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi mới, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc hợp nhất hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi nằm trong chiến lược phát triển của vùng và của cả nước để hình thành một đơn vị hành chính mới có quy mô đủ lớn, có tiềm năng và khả năng bứt phá mạnh mẽ, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo động lực lan tỏa cho cả vùng và đất nước”.

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi tỉnh Quảng Ngãi mới sau sáp nhập sẽ sở hữu lợi thế địa lý hiếm có: vừa có biển, vừa có rừng, vừa giáp Lào và Campuchia, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực từ kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp, logistics cho đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Với tổng diện tích lên tới 14.832 km², tỉnh mới xếp thứ 6 cả nước về quy mô, tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển không gian du lịch theo trục dọc Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây.

Sáp nhập Kon Tum và Quảng Ngãi không chỉ là bước đi chiến lược trong tái cấu trúc đơn vị hành chính, mà còn mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành du lịch.

Sáp nhập Kon Tum và Quảng Ngãi không chỉ là bước đi chiến lược trong tái cấu trúc đơn vị hành chính, mà còn mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành du lịch.

Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi cũ vốn là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến du lịch hấp dẫn: bãi biển Mỹ Khê trải dài với cát trắng mịn; biển Sa Huỳnh hoang sơ; đảo Lý Sơn kỳ vĩ với những vách đá núi lửa dựng đứng bên sóng biển; các dòng sông như Trà Khúc, Trà Bồng uốn lượn qua các cánh đồng phì nhiêu; cùng với các khu kinh tế, đặc khu, khu nghỉ dưỡng đang dần thành hình. Các loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm, sinh thái đang ngày càng được ưa chuộng với các hoạt động như chèo thuyền, khám phá làng chài, tìm hiểu văn hóa ngư dân bản địa, nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên.

Ở phía Tây, vùng đất Kon Tum nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa phong phú. Không gian văn hóa cồng chiêng, những ngôi nhà rông, lễ hội dân gian, các làng du lịch như Kon Kơ Tu, Bar Gốc, Đăk Răng… là những điểm đến độc đáo. Đặc biệt, Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai”, với độ cao hơn 1.000m, khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng thông bạt ngàn, hồ thác nguyên sơ đang ngày càng hút khách. Các tour du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại khám phá rừng đang là xu hướng tiềm năng tại đây.

Đảo Lý Sơn một địa điểm du lịch khá nổi tiếng ở Quảng Ngãi cũng như ở miền Trung.

Đảo Lý Sơn một địa điểm du lịch khá nổi tiếng ở Quảng Ngãi cũng như ở miền Trung.

Việc hai vùng đất “tựa lưng vào đại ngàn, hướng mặt ra biển lớn” hợp nhất, bức tranh tổng thể về du lịch đã trở nên phong phú và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Các sản phẩm “rừng - biển - đảo” có thể hình thành tour liên tuyến độc đáo, kết nối từ Măng Đen đến biển Mỹ Khê, đảo Lý Sơn chỉ trong một hành trình.

Tạo đà phát triển từ hạ tầng và bản sắc

Theo ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen, việc hợp nhất tỉnh sẽ mở ra cơ hội lớn để Măng Đen phát triển hài hòa cả về quy mô lẫn chất lượng. “Nguồn lực của Quảng Ngãi sẽ là điều kiện để đầu tư mạnh hơn vào Măng Đen, đặc biệt là trong quy hoạch hạ tầng, sản phẩm du lịch và bảo tồn bản sắc. Chúng tôi sẽ xây dựng các chiến lược phát triển riêng cho Măng Đen trong giai đoạn mới để vừa giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, vừa tiếp cận được thị trường du lịch rộng mở”.

Măng Đen - “Đà Lạt thứ hai” ở độ cao hơn 1.000m, khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng thông bạt ngàn giữa núi rừng Tây Nguyên.

Măng Đen - “Đà Lạt thứ hai” ở độ cao hơn 1.000m, khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng thông bạt ngàn giữa núi rừng Tây Nguyên.

Thực tế, việc bổ sung thế mạnh cho nhau giữa hai địa phương sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch toàn diện. Quảng Ngãi có biển, cảng biển, có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, có đường sắt quốc gia. Trong khi, Kon Tum lại sở hữu kho tàng văn hóa bản địa và khí hậu lý tưởng cho nghỉ dưỡng cao nguyên. Khi kết nối được các điểm đến này bằng hệ thống giao thông thuận lợi, vùng du lịch Quảng Ngãi mới có thể bứt phá cả về lượng khách, thời gian lưu trú lẫn chi tiêu du lịch.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Dù khoảng cách giữa TP. Quảng Ngãi và TP. Kon Tum chỉ khoảng 180km, nhưng tuyến Quốc lộ 24, tuyến giao thông huyết mạch kết nối hai vùng, hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đường đèo nhiều khúc cua gấp, mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn xuống cấp khiến việc di chuyển khó khăn, đặc biệt là đối với các đoàn du lịch.

Việc sớm nâng cấp Quốc lộ 24, đồng thời đầu tư thêm các tuyến kết nối giữa các điểm đến quan trọng như Măng Đen, Lý Sơn, Sa Huỳnh sẽ là “chìa khóa” để mở cánh cửa phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Ngãi mới. Các công ty lữ hành cũng mong muốn có tuyến cao tốc hoặc đường liên tỉnh được mở rộng để tổ chức tour thuận tiện hơn, từ đó kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của du khách.

Nếu giải được “bài toán” hạ tầng, đây là “thời cơ vàng” để Quảng Ngãi cất cánh trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Nếu giải được “bài toán” hạ tầng, đây là “thời cơ vàng” để Quảng Ngãi cất cánh trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ngãi mới cũng là điều cần thiết. Trong đó, cần xác định các điểm nhấn đặc trưng như: Trung tâm du lịch biển đảo Lý Sơn, Trung tâm du lịch sinh thái Măng Đen, các cụm di tích cách mạng ở Kon Tum, không gian văn hóa dân tộc thiểu số, và du lịch cộng đồng ven biển. Chiến lược quảng bá cũng cần hướng đến thị trường quốc tế, tận dụng các hiệp định thương mại, kết nối hành lang du lịch xuyên quốc gia (Việt Nam - Lào - Campuchia).

Việc hợp nhất Quảng Ngãi và Kon Tum không chỉ là sự kiện hành chính mà còn là bước chuyển mình chiến lược để tái định vị hình ảnh du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Từ núi rừng đại ngàn đến biển đảo trập trùng, từ văn hóa bản địa đến không gian di sản, tất cả đang quy tụ về một điểm: xây dựng một thương hiệu du lịch đa dạng, đặc sắc, bền vững và mang tầm quốc gia. Nếu giải được “bài toán” hạ tầng, đây chính là “thời cơ vàng” để Quảng Ngãi cất cánh trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thoi-co-vang-cho-du-lich-quang-ngai-166761.html