Đức đấu với Nga trong cuộc chiến cáp ngầm
Đức hiện dẫn đầu một nhiệm vụ mới của NATO nhằm bảo vệ biển Baltic khỏi 'cuộc chiến hỗn hợp' của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chuẩn Đô đốc Haisch. Ảnh: Alamy
Chuẩn Đô đốc Haisch, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Baltic (CTF) - trụ sở của NATO do Hải quân Đức chỉ huy tại Rostock, đã nhận nhiệm vụ khảo sát và nếu cần thiết, lên các con tàu bị nghi có liên quan tới các nỗ lực của Nga nhằm cắt các đường cáp quan trọng ở đáy biển Baltic.
Nói với phóng viên của báo Telegraph, ông Haisch cho biết: "Đức sẵn sàng và mong muốn đảm nhận trách nhiệm đối với biển Baltic và đang khẳng định mình là một đối tác mạnh". Ông bác bỏ những ý kiến cho rằng Đức miễn cưỡng đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ châu Âu kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trụ sở mới, được lập ra vào tháng 10/2024 bên bờ biển Baltic ở phía bắc của Đức, đã thu hút sự chú ý của Moscow. Quan chức Nga tuyên bố, đó là sự vi phạm trắng trợn hiệp ước những năm 1990, vốn cấm các lực lượng NATO mới đồn trú trên lãnh thổ trước đây gọi là Đông Đức. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo về hậu quả cực kỳ tiêu cực đối với việc thành lập trụ sở này và cho biết Điện Kremlin đang soạn thảo phản ứng tương ứng.
Chuẩn đô đốc Haisch phủ nhận việc trụ sở này vi phạm hiệp ước đó và không hề bối rối trước những cảnh báo của Moscow.

Phòng điều khiển tại CTF Baltic với đội ngũ nhân viên đa quốc gia. Ảnh: Alamy
Biển Baltic, nơi có ít nhất 2.000 tàu qua lại mỗi ngày, đã trở thành chiến trường mới nhất trong cái gọi là cuộc chiến hỗn hợp (gồm phá hoại, tấn công mạng...) của Nga để làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Gần đây, nhiều tuyến cáp viễn thông dưới biển Baltic bị cắt đứt một cách bí ẩn, khiến phương Tây lo ngại.
Tàu Yi Peng 3 của Trung Quốc bị nghi thực hiện các vụ phá hoại trên. Các quan chức phương Tây cho rằng tàu Trung Quốc làm như vậy thay cho các cơ quan tình báo Nga. Moscow và Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc và cho rằng thiệt hại đó là một tai nạn song giới chức phương Tây và các chuyên gia an ninh thấy cái cớ đó rất khó tin.
Vì vậy, nhiệm vụ hiện nay của Chuẩn Đô đốc Haisch và đội thủy thủ đa quốc gia được tuyển chọn từ các nước NATO là theo dõi các hoạt động phá hoại có khả năng đang diễn ra.
Theo vị chỉ huy, công việc kể trên rất thách thức vì rất khó có thể xác nhận liệu con tàu cắt cáp đó có phải là âm mưu của Nga hay chỉ đơn giản là một sai lầm. Do đó, một phần của nhiệm vụ là đảm bảo rằng các tàu ở Baltic biết rõ Hải quân Đức đang theo dõi mọi hoạt động rất chặt chẽ, để ngăn chặn mọi hành vi bất chính.
Các vụ cắt cáp không phải là mối đe dọa an ninh duy nhất có liên quan tới Nga mà hải quân Đức lo ngại. Hạm đội ngầm của Nga, một tập hợp các tàu chở dầu, trốn tránh lệnh trừng phạt để vận chuyển dầu và các nguồn cung cấp quan trọng khác cũng hiện diện thường xuyên ở biển Baltic. Các tàu này đi qua vùng biển quốc tế dưới vỏ bọc là tàu thương mại, và Đức cùng các lực lượng hải quân Baltic khác không thể làm gì nhiều.
Tuy nhiên, Chuẩn Đô đốc Haisch cho biết ông lo ngại những con tàu này, vốn thường trong tình trạng không tốt, có thể gây ra sự cố tràn dầu lớn tại sân sau của Đức.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/duc-dau-voi-nga-trong-cuoc-chien-cap-ngam-2373728.html