Đức đi trước các nước châu Âu trong đối phó COVID-19
Từ cuối năm ngoái, khá lâu trước khi hầu hết mọi người nghe tin về virus corona mới, các nhà khoa học Đức đã bắt tay ngay vào việc phát triển thiết bị xét nghiệm để phát hiện thủ phạm đang gây ra dịch bệnh hô hấp bất thường ở Trung Quốc.
Đến giữa tháng 1, họ phát triển được thiết bị xét nghiệm, và các phòng thí nghiệm khắp cả nước sẵn sàng sử dụng nó chỉ vài tuần sau đó, vào thời điểm quốc gia đông dân nhất châu Âu này mới có ca mắc COVID-19 đầu tiên.
“Rõ ràng là nếu dịch bệnh lan từ Trung Quốc sang đây, chúng ta phải bắt đầu xét nghiệm ngay”, ông Hendrik Borucki, một phát ngôn viên của Bioscientia Healthcare, đơn vị vận hành 19 phòng thí nghiệm trên khắp nước Đức, nói vào thời điểm đó.
Nỗ lực nhanh chóng đó tương phản với sự chậm trễ và những bước đi sai lầm ở nhiều nước. Cùng với số lượng lớn giường bệnh hồi sức cấp cứu và các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai sớm, Đức có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.
Số ca mắc được xác nhận ở Đức đã vượt mốc 71.000, nhưng chỉ có 775 người tử vong, theo tổng hợp của ĐH Johns Hopkins. Ở hoàn cảnh ngược lại, Ý đã báo cáo gần 106.000 ca mắc và hơn 12.400 trường hợp tử vong.
Tây Ban Nha hôm qua ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày nhiều nhất từ trước đến nay, với 864 trường hợp, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 9.053. Tây Ban Nha có tổng số 102.136 ca mắc, Reuters đưa tin.
Pháp có số lượng tử vong cao gấp 4 lần Đức, còn Anh gấp đôi Đức, dù hai nước này báo cáo số ca mắc thấp hơn.
Có nhiều yếu tố giúp Đức làm tốt như vậy, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh việc xét nghiệm nhanh và rộng khắp giúp Đức chủ động được tình hình.
“Lý do vì sao ở Đức có ít người chết so với số lượng mắc bệnh chủ yếu nhờ việc tiến hành số lượng xét nghiệm rất lớn trong phòng thí nghiệm”, AP dẫn lời TS Christian Drosten. Nhà vi trùng học này là thành viên của nhóm làm ra thiết bị xét nghiệm virus corona mới đầu tiên tại bệnh viện Charité ở Berlin, cơ sở được thành lập hơn 300 năm trước để điều trị cho các nạn nhân của bệnh dịch hạch.
Ông ước tính Đức hiện giờ có thể tiến hành 500.000 xét nghiệm mỗi tuần.
Trong khi đó, Tây Ban Nha chỉ có 20% năng lực đó. Ý thực hiện khoảng 200.000 xét nghiệm trong tuần qua, sau khi đã tăng đáng kể năng lực xét nghiệm gần đây.
Công việc của nhóm ông Drosten chỉ là một phần nỗ lực của Đức. Trước khi có ca mắc COVID-19 đầu tiên, giới chức nước này đã thống nhất rằng phí xét nghiệm sẽ được hệ thống bảo hiểm y tế phổ thông chi trả, cho phép bất kỳ ai có triệu chứng sau khi đến các điểm nóng hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân đều có thể xét nghiệm. Đức có vẻ không có tình trạng bất thường nào về số người mắc bệnh. Trong khi đó, Ý và Tây Ban Nha đang bỏ qua nhiều ca nhiễm virus nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì, khiến tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều tỷ lệ trung bình ở những nơi khác. Hạn chế xét nghiệm cũng có nghĩa là quy mô phát tán của dịch bệnh ở những nước đó chưa được đánh giá đầy đủ.
Tính đến tình huống xấu nhất
Bảo đảm những người ốm nặng được điều trị đúng cách cũng là một yếu tố quan trọng trong quản lý dịch bệnh và ngăn chặn số ca tử vong tăng nhanh.
Về điều này, Đức cũng có lợi thế. Ý có 8,6 giường hồi sức cấp cứu trên 100.000 người, còn Đức có 33,9 giường, tổng số là 28.000 chiếc. Chính phủ Đức vẫn muốn tăng gấp đôi con số đó.
“Chúng tôi chuẩn bị tốt trong hôm nay, ngày mai và ngày kia nữa”, TS Uwe Janssens, Chủ tịch Hiệp hội liên ngành Đức về chăm sóc tích cực và y tế khẩn cấp, cho biết.
Một số bệnh viện Đức đang tiếp nhận vài chục bệnh nhân từ Ý và Pháp. Đây không chỉ là việc hỗ trợ cho quốc gia cùng thuộc EU mà còn tạo điều kiện để các y bác sĩ Đức học cách điều trị các bệnh nhân nặng.
Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát bệnh tật của Đức, cho biết các biện pháp mạnh được triển khai gần 3 tuần trước, bao gồm đóng cửa trường học và nhà hàng, sau đó cấm trên 2 người tụ tập bên ngoài, giúp làm chậm quá trình lây lan của dịch bệnh.