Đức Dụ - họa sĩ của Trường Sơn
Tám năm sống, chiến đấu ở Trường Sơn đã cho họa sĩ Đức Dụ chất liệu, vốn sống dày dặn, phong phú để rồi những ký ức quý giá ấy đã trở thành tư liệu để ông cặm cụi vẽ về Trường Sơn như một sự tri ân, một sự nhắc nhớ về thời oanh liệt đã qua.
Những bức tranh của ông về Trường Sơn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “đã ghi lại được những nét đáng ghi của công trình vĩ đại của dân tộc ta”. Những ngày cuối tháng 4 này, ông đang tất bật cho triển lãm thứ 22 của mình, mang tên “Còn lại với Trường Sơn”, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Họa sĩ Đức Dụ.
1. Trường Sơn không chỉ là địa danh của khói lửa, của sự hy sinh, mất mát mà còn mang đầy chất thơ, nhạc, họa... qua tài năng và góc nhìn lãng mạn của các văn nghệ sĩ. Riêng trong lĩnh vực hội họa đã có không ít họa sĩ nổi danh như Minh Đỉnh, Hoàng Đình Tài, Vĩnh Phúc, Đức Dụ...
Họa sĩ Đức Dụ nhập ngũ năm 1965, thuộc biên chế tại một trung đoàn bộ binh, huấn luyện 3 tháng ở Ninh Bình trước khi vào chiến đấu ở Phú Yên. Tuy nhiên, vừa vào đến Trường Sơn thì đơn vị của ông có lệnh mở đường 20 Quyết Thắng xuyên từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn. Vốn có năng khiếu hội họa, ngày ngày được chứng kiến hoạt động sôi động của bộ đội trong rừng sâu nên người lính công binh Đức Dụ cứ cuối ngày lại lao vào vẽ tranh chân dung và cuộc sống thời chiến của đồng đội. Khi vẽ được nhiều tranh, đơn vị làm triển lãm lưu động cho ông (chăng dây rừng rồi kẹp tranh lên đó) khiến các chiến sĩ rất thích thú. Nhận thấy khả năng hội họa của Đức Dụ, hai lãnh đạo của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đã tạo điều kiện đưa ông về Phòng Tuyên huấn để “vẽ cho chuyên nghiệp”.
Được động viên, Đức Dụ càng mong muốn dùng hội họa để phản ánh cuộc sống, chiến đấu của bộ đội ta, nhất là hình ảnh ở các trọng điểm ác liệt nhất. “Thời điểm 1968 - 1970 tôi đã nhiều lần gửi tranh ra Bắc. Những bức tranh ấy cùng tranh của các họa sĩ khác đã được mang ra triển lãm “Từ miền Nam gửi ra”, được công chúng đánh giá cao. Năm 1973, tôi được gửi ra học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) trong 6 năm, sau đó về công tác tại Bảo tàng Hậu cần cho đến lúc nghỉ hưu”, họa sĩ Đức Dụ nhớ lại.
2. Sinh thời, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng nhận xét: “Vẽ về Trường Sơn, họa sĩ Đức Dụ không những thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật mà còn để tri ân những cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, những thanh niên xung phong đã cùng kề vai sát cánh trong bom đạn. Những bức ký họa của ông đã trở thành tư liệu quý của nghệ thuật tạo hình nước nhà trong thời kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Với Đức Dụ, chất lính, chất nghệ sĩ luôn thấm đẫm trong con người và tác phẩm”.
Đúng như vậy, có mặt tại xưởng vẽ của ông trên tầng 2 của ngôi nhà trên phố Ngọc Hà (Hà Nội), tôi đã phần nào chiêm nghiệm được điều đó qua những cuốn sách tranh có chọn lọc tác phẩm của ông. Những bức ký họa màu nước, mực nho, bút sắt, như “Phá mìn vướng”, “Chặng đường giao liên”, “Nuôi quân đại đội”, “Doanh trại mùa khô”, “Xe tăng vào tuyến”... cho thấy ông có mặt ở khắp các tuyến đường. Những con người, những sự kiện, những địa danh lịch sử đã vào tranh qua nét bút phóng khoáng của ông, lưu giữ lại tình cảm đối với đồng đội, đồng bào ở chiến trường trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng qua các bức “Múa hát trong hang”, “Đọc thư”, “Đãi rượu” “Dệt vải nơi sơ tán”, “Uống rượu cần”, “Quân dân múa hát mừng chiến thắng”... Người xem xúc động với bức màu nước “Đọc báo trên đường tải thương” được ông vẽ khi chứng kiến cảnh nữ chiến sĩ đọc báo cho thương binh nghe mà không ngờ người thương binh ấy đã hy sinh từ lúc nào rồi. Rồi các bức sơn dầu như “Đồng Lộc”, “Trọng điểm Vàng Mu mùa khô 1969”, “Cao điểm 550 bị tiêu diệt”... ghi lại cảnh bom đạn tàn phá, cây cối, nhà cửa hoang tàn đổ nát không một bóng người.
Ông rất chú trọng vẽ chân dung, đó là các nữ chiến sĩ nhỏ bé trong tư thế hiên ngang, bất khuất như Nguyễn Thị Hải Lý - tiểu đội trưởng dân công hỏa tuyến, người luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất; Trần Thị Chung - tiểu đội trưởng nuôi quân, chiến sĩ quyết thắng binh trạm 41... Và tất nhiên, họa sĩ Đức Dụ đã dành sự mến phục, tâm huyết để vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các bức “Từ Pác Bó”, “Bác đi chiến dịch”, “Người quân nhân số một bên cạnh Bác trên đường đi công tác”, “Đồng chí Võ Bẩm báo cáo với Bác Hồ về hoạt động tuyến đường mòn Trường Sơn (1959)”... Đặc biệt, trong số đó có bức tranh ghi lại cảnh Bác nằm trên sạp nứa trong lán Nà Lưa căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đang bị cơn sốt rét ác tính hành hạ.
3. Ngày 27-4 tới, họa sĩ Đức Dụ sẽ tổ chức triển lãm “Còn lại với Trường Sơn” với 60 bức tranh, ký họa tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội). Đây cũng là triển lãm cá nhân thứ 22 của ông, sau khi đã được tổ chức ở nhiều nơi khác, như Nam Định, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh... Với ông, mỗi lần tổ chức triển lãm đều đem lại những cảm xúc rất đặc biệt, nhất là trong dịp này khi cả nước hướng đến kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021). Ông tiết lộ, triển lãm lần này sẽ giới thiệu bức tranh vô giá về một thời khắc lịch sử, đó là bức “Dinh Độc lập trưa 30-4-1975” được ông ký họa bằng màu nước khi ngồi trên xe tải của đoàn xe hậu cần dõi theo nhân dân ta với nét mặt rạng rỡ, hạnh phúc, tay cầm lá cờ của quân giải phóng ăn mừng trước cửa Dinh Độc lập. “Năm ấy tôi là sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam nhưng đã xin đi ra trận để lấy tư liệu vẽ, và thế là tôi cùng đoàn xe hậu cần, gồm 10 chiếc chở đầy thuốc men, lương thực, hễ gặp quân giải phóng thì tiếp tế. May mắn là trưa 30-4-1975 tôi đã được chứng kiến thời khắc lịch sử ở Dinh Độc lập và tái hiện những gì mắt nhìn thấy, tai nghe được trong bức tranh vô giá của mình”, họa sĩ Đức Dụ xúc động cho biết.
Gương mặt ông bỗng tươi tắn hẳn lên khi kể cho tôi nghe rằng, hơn 300 bức tranh về Trường Sơn của ông hiện đã được một tập đoàn lớn lưu giữ và nhiều lần tài trợ tổ chức các cuộc triển lãm tranh cũng như in 3 cuốn sách tập hợp các tác phẩm ấy. Ông bảo, người họa sĩ già như ông chẳng có mong muốn nào hơn là những “đứa con tinh thần” của mình sẽ được bảo quản, gìn giữ và trưng bày để tuyên truyền về Trường Sơn cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó không phải là cuộc giao dịch mua bán. Nói về việc này, ông thẳng thắn cho biết: “Đó là ký ức của tôi, của biết bao đồng đội một thuở ở Trường Sơn. Bán tranh là bán đi ký ức, sao tôi có thể làm thế được!”. Ông tâm niệm, cùng với vẽ tranh thì làm triển lãm là cách mà người lính trở về từ Trường Sơn khói lửa như ông “giữ lại” Trường Sơn lâu hơn, để không những người lính năm xưa mà cả con cháu của họ cũng như giới trẻ hôm nay sẽ mãi nhắc nhớ và thêm tự hào về một thời kỳ lịch sử của toàn dân tộc.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/996969/duc-du---hoa-si-cua-truong-son