Đức đứng trước nguy cơ 'một mùa đông khó khăn'Tin khácLan tỏa phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sởCông tác dân vận tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

Quan chức Đức lo ngại khoản tín dụng mới mà chính phủ nước này muốn dùng để mua khí đốt sẽ không đủ đáp ứng mục tiêu tích trữ khí đốt cho mùa đông sắp đến.Công nhân vận hành hệ thống tại một cơ sở lưu trữ khí đốt ở thị trấn Muhldorf (Đức). Ảnh: Bloomberg

Theo Reuters, ngày 4-7, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức Klaus Mueller nhận định hạn mức tín dụng bổ sung 15 tỷ euro của chính phủ có thể không đủ lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt khi việc thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá lên cao hơn. Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng có thể đối mặt với việc thiếu hụt khí đốt trong những tháng tới nếu đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) không nối lại hoạt động sau khi tạm ngưng vận hành để bảo trì định kỳ trong tháng này. “Sẽ là không có trách nhiệm nếu cho rằng mọi thứ sẽ tự ổn”, ông Mueller nhấn mạnh.

Được biết, chính quyền Berlin đặt mục tiêu lấp đầy lượng khí đốt trong kho lên mức 80% và 90% lần lượt vào tháng 10 và 11 tới đây. Trong khi đó, giá khí đốt càng tăng khiến các mục tiêu này sẽ càng đắt đỏ hơn. Hiện tại lượng khí đốt trong kho của Đức ở mức 61%. Tháng trước, Đức đã kích hoạt cấp độ cảnh báo thứ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba mức của nước này sau khi Moscow giảm nguồn cung từ Nord Stream 1. Nếu giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch khẩn cấp được kích hoạt, chính phủ Đức sẽ chịu trách nhiệm phân bổ khí đốt.

Dự kiến Nord Stream 1 sẽ được bảo trì từ ngày 11 đến 21-7. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Liên bang Đức Robert Habeck từng cảnh báo nước này có thể đối mặt với khả năng Nga tiếp tục trì hoãn việc vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 sau thời gian bảo dưỡng theo kế hoạch.

Tuy nhiên, ông khẳng định ngay cả trong trường hợp xấu nhất, người tiêu dùng tư nhân vẫn được bảo vệ theo luật mà không bị cắt nguồn khí đốt. Trong khi đó, truyền thông Đức cho rằng khả năng trên có thể là động thái hợp lý mà Nga sẽ thực hiện nhằm giảm thêm, thậm chí là ngừng hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt, để gây sức ép với “lục địa già”.

Vừa qua, Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức cũng khuyến nghị người dân tiết kiệm năng lượng, trong đó chú trọng vào việc kiểm tra và điều chỉnh các lò hơi, bộ tản nhiệt khí đốt để tối ưu hóa hiệu quả của những thiết bị này. Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Nga cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt đến Đức qua Nord Stream 1.

Lý giải cho quyết định đó, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho rằng Công ty Siemens Energy của Đức đã không trả thiết bị đúng hạn cho một trạm nén khí. Trước đó, Siemens Energy gửi các thiết bị đó đến Canada để sửa chữa. Ngược lại, giới chức Đức bác bỏ lời giải thích trên và coi việc cắt giảm là động thái chính trị nhằm phản ứng lại các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trước đây, Đức nhập khẩu trung bình 55% lượng khí đốt cần thiết từ Nga thông qua các đường ống trên đất liền. Tỷ trọng này đã được giảm xuống còn 40% vào cuối quý 1 năm nay khi Berlin tăng cường nhập khẩu từ Hà Lan và Na Uy. Dù vậy, việc thay đổi nguồn cung khí đốt phần nào khiến giá năng lượng ở Đức tăng cao, đóng góp vào tình trạng lạm phát kỷ lục ở nước này.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Welt am Sonntag của Đức đưa tin, thị phần dầu thô nhập khẩu của Đức từ Nga trong tháng 5 vừa qua chiếm gần 28%, so với thông báo trước đó chỉ là 12%. Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Liên bang Đức cho rằng sự khác biệt đến từ việc các công ty nhập khẩu dầu thời điểm đó đánh tín hiệu có thể sớm rút khỏi những hợp đồng hiện có với các nhà cung cấp của Nga, trong trường hợp Mosow ngừng cung cấp khí đốt hoặc áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn.

Theo Quandoinhandan

NHÓM PV CT-XH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/511075-duc-dung-truoc-nguy-co-mot-mua-dong-kho-khan.html