Đức giúp châu Âu tạo thế độc lập về công nghiệp quốc phòng trước Mỹ
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Đức (OPK) kêu gọi các nước châu Âu thành lập những công ty sản xuất vũ khí quy mô lớn.
Theo ông Armin Papperger - Giám đốc điều hành công ty Rheinmetall của Đức, nếu châu Âu muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thì các nước cần phải chuyên môn hóa một số công nghệ quân sự nhất định.
CEO của Rheinmetall lưu ý rằng đây là cuộc thảo luận khó khăn nhất mà các chính trị gia châu Âu đang tiến hành ở cấp chính phủ.
"Sẽ vô nghĩa nếu chúng ta chọn công nghệ tốt thứ hai hoặc thứ ba chỉ vì một quốc gia muốn nó. Chúng tôi cần các công ty vũ khí lớn ở châu Âu”, ông Papperger cho biết.
Ngày nay, các công ty quốc phòng châu Âu đang cạnh tranh với nhau, ngân sách quân sự được kiểm soát ở cấp quốc gia và từng nước tìm cách duy trì quyền kiểm soát chuỗi cung ứng chiến lược, nhà máy, việc làm cũng như lợi thế công nghệ.
Trong số các ví dụ về hợp tác xuyên biên giới thành công có nhà sản xuất MBDA lớn nhất châu Âu, thuộc sở hữu của BAE Systems (Anh) và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, mỗi bên sở hữu 37,5% cổ phần, và còn lại thuộc về công ty Ý Leonardo.
Ông Papperger cũng tin rằng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự lớn, châu Âu có thể bị bỏ lại một mình, bởi khi đó Mỹ sẽ tập trung vào châu Á.
Theo quan điểm của CEO Rheinmetall, nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, áp lực lên Đức sẽ lớn hơn. Nhưng đồng thời ông Papperger nói thêm rằng cuộc chạy đua khôi phục sức mạnh quân sự sẽ tiếp tục bất kể ai về đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Vị CEO lưu ý rằng trong những thập kỷ gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu coi việc Mỹ sẽ đến trợ giúp họ trong trường hợp phát sinh mối đe dọa quân sự là đương nhiên, nhưng “điều đó sẽ không xảy ra nữa”.
Nhưng năng lực quân sự của Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những thách thức riêng, trong đó ông Papperger cho rằng sự phân cực chính trị ngày càng gia tăng.
"Nhiệm vụ lớn của Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ là gắn kết hai đảng lại với nhau. Thật tồi tệ khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là cường quốc quân sự lớn nhất lại là một quốc gia bị chia rẽ”, CEO của Rheinmetall kết luận.
Theo Militarnyi