Đức hiện đại hóa quân đội và những câu hỏi chưa có lời giải đáp
Việc Quốc hội Liên bang Đức thông qua đề xuất ngân quỹ 100 tỷ euro cho chương trình hiện đại hóa quân đội quốc gia, trong đó gồm nhiều lá phiếu ủng hộ của phe đối lập bảo thủ, được coi là một thắng lợi chính trị vang dội của Thủ tướng Olaf Scholz - người đã đưa ra ý tưởng vào hôm 27/2, chỉ 3 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vẫn còn một số câu hỏi được đặt ra liên quan đến số tiền này nhưng chưa có lời giải đáp.
Ngày 3/6, các nghị sỹ Đức đã thông qua với đa số áp đảo (593 phiếu thuận, 80 phiếu chống, 7 phiếu trắng) ủng hộ việc thành lập một “quỹ đặc biệt” trị giá 100 tỷ euro nhằm hiện đại hóa quân đội quốc gia. Khoản ngân quỹ đặc biệt này không chỉ nhận được sự ủng hộ của các đảng trong liên minh cầm quyền của ông, mà còn được sự tán thành của nhóm bảo thủ (CDU-CSU), lực lượng đối lập chính trong Quốc hội Liên bang. Sự hỗ trợ của CDU-CSU là cần thiết vì một lý do chính xác: trong bài phát biểu ngày 27/2, Thủ tướng Olaf Scholz hy vọng khoản ngân sách đặc biệt sẽ được “đảm bảo trong Luật cơ bản”, có nghĩa là điều này sẽ phải trở thành đối tượng của việc sửa đổi hiến pháp Liên bang. Và để sửa đổi với nguyên tắc có sự ủng hộ của đa số 2/3, việc thông qua nó nhất thiết phải có một thỏa thuận đạt được chính thức với đảng bảo thủ. Đổi lại sự ủng hộ này, các đảng bảo thủ Đức muốn rằng một phần khoản 100 tỷ euro được cấp cho quân đội quốc gia phải được phân bổ theo các mục đích của họ, chẳng hạn như cuộc chiến chống tội phạm mạng, bảo vệ dân sự...
Trong “chiếc bánh đặc biệt” này, không quân liên bang sẽ được hưởng một phần rất lớn, cụ thể là 33,4 tỷ euro (1/3 ngân quỹ). Khoản nhận được sẽ được dùng để chi cho 35 máy bay chiến đấu F-35 mà Chính phủ Đức đã quyết định mua từ nhà sản xuất Lockheed Martin của Mỹ để thay thế cho đội bay Tornado cũ kỹ được biên chế từ những năm 1970. Là loại máy bay duy nhất được chấp thuận mang bom hạt nhân của Mỹ, F-35 sẽ cho phép Đức tiếp tục tham gia “chia sẻ hạt nhân”, cụ thể là tham gia chương trình răn đe của NATO.
Để tăng cường “thành phần không quân” trong quân đội quốc gia, Berlin cũng có ý định mua máy bay chiến đấu eurofighter ECR, do Tập đoàn châu Âu Airbus sản xuất, trực thăng vận tải Chinook CH-47-F do Boeing của Mỹ sản xuất, cũng như máy bay không người lái Heron TP do Israel sản xuất. Nhân việc đề cập đến chương trình hợp tác không quân Đức-Pháp-Tây Ban Nha sẽ kết thúc vào năm 2040, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh: “Sự phát triển của Hệ thống không quân chiến đấu tương lai (SCAF) cũng sẽ nhận được nguồn cung tài chính từ Quỹ đặc biệt kể từ năm 2023”.
Trong khi đó, được cung cấp lần lượt 16,6 và 8,8 tỷ euro, lục quân và hải quân Đức cũng có điều kiện hiện đại hóa lực lượng nhờ vào ngân quỹ đặc biệt do Quốc hội Liên bang thông qua. Về lục quân, một phần giải ngân sẽ được sử dụng cho một dự án của châu Âu: mua sắm các xe tăng chiến đấu tương lai (MGCS), được lên kế hoạch thay thế xe tăng Leclerc của Pháp và Leopards của Đức vào năm 2035. Phần còn lại của ngân quỹ sẽ được sử dụng cho các chương trình chung và lâu dài. Ví dụ, khoảng 20 tỷ euro sẽ được phân bổ cho chương trình “số hóa” của quân đội quốc gia, bao gồm mua thiết bị liên lạc mới và các hệ thống vệ tinh. Cuối cùng, quân đội quốc gia sẽ có thêm vài tỷ euro để mua đạn dược và quân trang cho binh lính.
Với ngân quỹ đặc biệt dành cho quân đội quốc gia, Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz đang gửi một tín hiệu rõ ràng tới các đồng minh. Nhờ số tiền này, Đức sẽ thực sự đạt được mục tiêu mà NATO đặt ra cho các thành viên: dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự của mỗi nước vào năm 2024. Hiện tại, Đức mới chi khoảng 1,5%. Bằng việc áp khoản 100 tỷ euro này vào Luật cơ bản, Thủ tướng Đức được đánh giá là “đã có một bước đi khôn khéo và thông minh”.Một khi đã trở thành “ngân quỹ đặc biệt”, số tiền này sẽ không được đưa vào ngân sách thông thường. Như vậy, nó sẽ không được tính vào các tính toán “phanh nợ”, một điều khoản hiến pháp cấm nhà nước liên bang mắc nợ hàng năm ở mức trên 0,35% GDP.
Tuy chưa từng có tiền lệ, nhưng khoản trang trải đặc biệt này vẫn để ngỏ ba câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.Thứ nhất đương nhiên là vấn đề tài chính. Ngay cả khi là con số đáng kể, nhưng ngân quỹ đặc biệt 100 tỷ euro chỉ lớn gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm của Đức. Nếu ngân sách hàng năm này không tăng, trong vài năm tới, quân đội quốc gia có nguy cơ lại rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính như hiện nay. Điểm này đến nay vẫn chưa được làm rõ: theo quỹ đạo ngân sách mà Chính phủ Đức hoạch định, ngân sách quốc phòng của nước này được cho là sẽ duy trì ổn định, ở khoảng 50 tỷ euro mỗi năm, từ nay đến năm 2026.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến quốc phòng châu Âu. Trong tuyên bố của mình, thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Đức đã cam kết sẽ dành một số tiền trong ngân quỹ đặc biệt để tài trợ cho các dự án như SCAF hoặc MGCS. Tuy nhiên, chưa có chi tiết cụ thể nào được đưa ra. Vào tháng 3, khi đưa ra tuyên bố mua các máy bay F-35 để thay thế đội bay Tornado, Chính phủ Đức không khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, động thái này đã củng cố thêm niềm tin của những người từng cho rằng Đức đang quay lưng lại với các đối tác châu Âu, coi thường trình độ quân sự của châu Âu để đặt cược vào Washington trong lĩnh vực quốc phòng.
Câu hỏi thứ ba liên quan đến việc thực hiện kế hoạch được Nghị viện liên bang thông qua ngày 3/6. Trong khi hoan nghênh nỗ lực ngân sách của chính phủ, nhiều chuyên gia lo ngại rằng khoản tiền đã hứa sẽ không được sử dụng một cách tối ưu.Một số nghiên cứu đã thực sự chỉ ra rằng các khoản đầu tư dành cho quân đội quốc gia những năm gần đây đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại này là do tính tổ chức và tính cách đặc biệt quan liêu của quân đội Đức.
Chính phủ mới dường như đang hoàn toàn bỏ qua vấn đề không thể xem nhẹ này, có nghĩa là mới chỉ có những phản ứng về ngân sách thay vì đưa ra các biện pháp cải tổ đối với các vấn đề của quân đội quốc gia.