Đức Hòa: Kinh tế công nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của địa phương English Edition
Kinh tế công nghiệp ngày càng chiếm vị trí cao trong cơ cấu kinh tế của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Huyện Đức Hòa là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện có vị trí hết sức thuận lợi khi tiếp giáp TP.HCM nên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế công nghiệp.
Những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Không chỉ đóng góp thiết thực vào kinh tế, ngân sách nhà nước, công nghiệp tạo ra nhiều việc làm, góp phần giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn. Thu nhập của người dân tăng lên, cuộc sống ngày càng ổn định.
Theo ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa: “Gia đình tôi tăng thu nhập, cuộc sống được cải thiện hơn trước từ khi có doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn. Nếu trước đây, gia đình phụ thuộc chính vào chăn nuôi thì giờ chúng tôi đi làm công nhân với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. Các chi phí sinh hoạt hàng ngày, con em đi học cũng nhờ vào đồng lương công nhân ấy chứ trước đây chăn nuôi vất vả lắm, thường bị thiếu hụt.Ngoài ra, mỗi tháng, gia đình cũng tích góp được chút đỉnh để phòng thân”.
Tương tự, bà Trần Thị Hằng Ny, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc khá lớn vào những vụ trồng màu, đậu phộng,… có vụ đạt, vụ không nên tương đối bấp bênh. 3 năm trở lại đây, kinh tế ổn định hơn nhờ tiền lương công nhân hàng tháng của gia đình đi làm cho doanh nghiệp trên địa bàn.Nhờ vậy, chúng tôi có thêm tiền trang trải chi phí hàng ngày và cải thiện đáng kể cuộc sống của mình”.
Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành thông tin: Thời gian gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện có xu hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 75.000 tỉ đồng. Toàn huyện hiện có 10 khu công nghiệp (7 khu đi vào hoạt động), 14 cụm công nghiệp (6 cụm đi vào hoạt động), thu hút trên 2.000 nhà đầu tư thứ cấp về đầu tư. Diện tích đất công nghiệp trên 6.200ha. Công nghiệp không chỉ đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm, giải quyết các bài toán về lao động, những chương trình an sinh xã hội trên địa bàn,…góp phần thúc đẩy địa phương phát triển.
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp ở huyện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Huyện đề ra phương hướng tập trung giữ vững và nâng cao tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm; tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phát triển công nghiệp; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đảm bảo hoạt động đúng ngành nghề được cho phép và vệ sinh môi trường.
“Huyện tạo điều kiện liên kết phát triển giữa các khu, cụm công nghiệp trong chuỗi phát triển công nghiệp, tiến đến hình thành các lĩnh vực chuyên hoặc chủ đạo cho từng khu, cụm công nghiệp. Định hướng tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch trong giai đoạn 2016-2020 sẽ được lấp đầy; trên địa bàn có khả năng phát triển thêm 3-4 khu, cụm công nghiệp mới theo hướng cụm công nghiệp liên ngành với tỷ lệ lấp đầy 50-60%. Tin tưởng, KT-XH huyện nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới và đi đúng định hướng kinh tế công nghiệp chiếm vị trí cao trong cơ cấu kinh tế của huyện” - ông Trần Văn Lành thông tin thêm./.