Đức Hòa: Số ca sốt xuất huyết ở người trưởng thành đang tăng cao
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm, không phân biệt lứa tuổi. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với bệnh SXH dẫn đến số ca mắc tăng cao.
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, từ đầu năm 2019 đến nay, ghi nhận có 1.055 ca mắc SXH và 205 ổ dịch SXH. Số ca SXH tăng so với năm 2018 và xuất hiện 20/20 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, các xã có số ca mắc cao như: Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Thượng, thị trấn Đức Hòa và thị trấn Hậu Nghĩa.
Chị Nguyễn Hồng Oanh, xã Mỹ Hạnh Nam, cho biết: “Tôi bị sốt 2 ngày, tự mua thuốc hạ sốt uống mà không giảm, sau khi thử máu, bác sĩ kết luận tôi bị SXH”.
Với tâm lý chủ quan, nhiều người còn thờ ơ với bệnh SXH. Bỏ qua các dấu hiệu ban đầu, không điều trị kịp thời dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, hiện nay, số ca mắc SXH ở người trưởng thành đang tăng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Segearo Hàn Quốc: “Khi nhập viện tôi bị sốt 38 độ, lúc đó không nghĩ mình SXH. Nhưng sau khi xét nghiệm mới biết mình bị SXH. Trước đây tôi cũng từng bị SXH nên không cảm thấy sợ lắm!” - bà cho biết.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, từ đầu năm 2019 đến 30/8/2019, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 431 ca SXH, trong đó có 310 ca ở người trưởng thành và 121 ca là trẻ nhỏ.
Để kéo giảm số ca mắc SXH, ngành chức năng huyện Đức Hòa tăng cường công tác truyền thông, ra quân thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, xử lý các ổ dịch SXH,...
Chị Võ Thị Kim Phiết, quê An Giang, đang sống tại khu nhà trọ thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, cho biết: “Nghe báo, đài tuyên truyền về bệnh SXH, tôi lo lắm. Do đó, tôi thường xuyên dọn dẹp nhà cửa thông thoáng và phun thuốc diệt muỗi trong nhà”.
Bệnh SXH rất nguy hiểm, tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng, tránh được. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh như: Chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ mùng ngay cả ban ngày, dọn dẹp ao tù, nước đọng, cây cối rậm rạp quanh nhà,… sẽ giảm nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh SXH trong cộng đồng./.