Đức Hòa: Tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng
Huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB), tái định cư (TĐC) trên địa bàn, sớm ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi, bàn giao đất thực hiện dự án (DA), tạo quỹ đất sạch, thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Đồng thuận
Đức Hòa là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, tiếp giáp TP.HCM nên thu hút rất nhiều nhà đầu tư về làm DA. Diện tích đất bị thu hồi khá lớn để thực hiện DA.
Công tác BT, GPMB trên địa bàn được lãnh đạo địa phương tập trung, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bước đầu tạo được sự đồng thuận từ phía người dân.Một số DA, công trình hoàn thành, đi vào hoạt động mang đến tín hiệu tích cực, thay đổi diện mạo, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, cho hay: “Khi có chủ trương thu hồi đất làm DA, gia đình tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, khi biết được tầm quan trọng và ý nghĩa khi DA đi vào hoạt động, gia đình tôi đồng thuận với chủ trương và bàn giao đất để làm DA. Giờ đây, nhận thấy việc làm của mình hết sức thiết thực, DA đi vào hoạt động tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, trong đó có những thành viên của gia đình nên ai nấy đều phấn khởi. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp khi hoạt động, nhất là kiểm soát về môi trường, tránh gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, sớm có kế hoạch nâng cấp, mở rộng đường giao thông để theo kịp tốc độ phát triển, chứ hiện nay tuyến đường hiện hữu (Đường tỉnh 825) không bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, nhất là lúc chiều tan giờ làm của công nhân”.
Tương tự, ông Trần Hữu Nghĩa, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, cho biết: “Gia đình có đất nằm trong DA tuyến đường 3 tháng 2 nối dài. Chúng tôi hiểu được ý nghĩa của tuyến đường này nên nhanh chóng bàn giao đất để làm đường. Công trình đường 3 tháng 2 nối dài hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang đến tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của địa phương cũng như cuộc sống người dân. Diện mạo xã hội địa phương thay đổi, giao thông thuận lợi trong việc mua bán, đi lại.Người dân ai nấy đều vui mừng trước kết quả như bây giờ”.
Còn gặp khó
Công tác BT, GPMB trên địa bàn huyện bước đầu đạt một số kết quả khả quan. Người dân đồng thuận với chủ trương, bàn giao đất làm DA, nhiều DA khi hoàn thành đã phát huy được vai trò, mục tiêu đề ra,…
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định. Người dân đồng thuận chủ trương nhưng không đồng ý với đơn giá bồi thường (thấp hơn so với thị trường); năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến việc một số DA kéo dài, lãng phí đất đai, gây bức xúc dư luận; một số cơ chế, chính sách khi áp dụng chưa sát với thực tế;…
“Gia đình tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước nhưng chưa đồng ý nhận tiền bồi thường do giá đền bù khá thấp so với thực tế. Ngoài ra, một số chính sách gia đình cũng không được hưởng.Gia đình tôi kiến nghị cần điều chỉnh cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, khi thu hồi đất của người dân thì nhanh chóng triển khai DA, không nên kéo dài gây lãng phí đất đai” - bà Lê Thị Ngọc Điệp (có đất nằm trong DA Khu công nghiệp Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc) chia sẻ.
Được biết, DA Khu công nghiệp Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc (xã Đức Hòa Đông) do Công ty Cổ phần Khai thác Hạnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất thu hồi gần 175ha. Hiện nay, huyện đã bàn giao gần 150ha đất cho chủ đầu tư. Dù triển khai đã lâu nhưng DA vẫn còn gặp khó về mặt bằng vì một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do khiếu nại về giá.
Tương tự, công tác BT, GPMB tại DA Khu TĐC và Khu công nghiệp Hựu Thạnh (xã Hựu Thạnh) cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích của DA hơn 522ha với gần 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, DA đã chi trả bồi thường cho hơn 1.150 hộ, tổng diện tích gần 470ha, tổng tiền chi trả bồi thường gần 1.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, DA kéo dài nhiều năm qua chưa thể thực hiện được do người dân chưa đồng ý với đơn giá bồi thường, chủ đầu tư gặp khó khi triển khai DA,…
Theo ông Phan Văn Tuấn (có đất nằm trong DA Khu TĐC và Khu công nghiệp Hựu Thạnh), gia đình đồng thuận với chủ trương của Nhà nước nhưng chưa đồng ý nhận tiền bồi thường cũng như bàn giao đất để làm DA.Bởi, đơn giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nếu nhận tiền bồi thường cũng không thể mua nổi nền đất TĐC hiện nay tại địa phương.Bên cạnh đó, giá của cây trồng, tài sản trên đất khi đền bù cũng chưa thỏa đáng.Chúng tôi kiến nghị cần xem xét tổng thể, có chính sách giá bồi thường phù hợp, bảo đảm hài hòa giữa các bên, tránh ảnh hưởng lợi ích của người dân.
Tập trung tháo gỡ
Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành thông tin: Công tác BT, GPMP, TĐC trên địa bàn luôn được huyện quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Thời gian qua, công tác này đạt một số kết quả tích cực, nhiều DA triển khai, đi vào hoạt động góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương, nhất là từ khi có Kết luận 720-KL/TU, ngày 29-3-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trên địa bàn huyện có rất nhiều DA, tổng diện tích đất thu hồi tương đối lớn, hộ dân bị ảnh hưởng khá nhiều nên vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Huyện xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc nhanh chóng bàn giao mặt bằng làm DA nên ngay từ đầu năm, huyện đã có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể đối với từng DA và đẩy mạnh việc thực hiện. Trong đó, huyện tiếp tục quán triệt tinh thần Kết luận 720-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự nhất quán trong công tác BT, GPMB; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát thực tế tại các DA, kịp thời giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của người dân; tập trung tháo gỡ các vướng mắc đối với DA Khu công nghiệp Hựu Thạnh, các DA triển khai từ nhiều năm trước như Khu công nghiệp Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc, Cụm công nghiệp Hải Sơn, Khu dân cư Hải Sơn,…
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách thực hiện công tác BT, GPMB đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục; công khai, minh bạch đầy đủ về trình tự thủ tục, quy hoạch, giá đất bồi thường, thời gian, tiến độ DA,… để người dân nắm rõ, tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC đối với từng DA. Huyện xây dựng kế hoạch GPMB của từng DA, theo dõi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị trong công tác GPMB; đồng thời, tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh để tháo gỡ khó khăn liên quan, đẩy nhanh công tác GPMB. Huyện kiến nghị tỉnh cần hỗ trợ, hướng dẫn huyện về các cơ chế, chính sách liên quan, triển khai đơn giá bồi thường, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên làm công tác GPMB,…
“Tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB trên địa bàn sẽ có chuyển biến tích cực, đạt kết quả trong thời gian tới để sớm bàn giao mặt bằng thực hiện DA, tạo quỹ đất sạch thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà” - ông Trần Văn Lành nhấn mạnh./.
Huyện Đức Hòa đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 90 dự án, trong đó có 48 dự án dân cư, 8 dự án cụm công nghiệp, 9 dự án khu công nghiệp và 25 dự án khác (giao thông, nghĩa trang, trường học,...). Năm 2019, huyện chi trả bồi thường cho gần 900 hộ dân, số tiền gần 1.500 tỉ đồng, tổng diện tích đất thu hồi trên 400ha.