Đức Huệ: Lan tỏa phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về 'Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh', huyện Đức Huệ, tỉnh Long An xuất hiện nhiều mô hình, phong trào thi đua xây dựng, phát triển quê hương.

Nổi bật là phong trào thi đua xây dựng mô hình Dân vận khéo được các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực và từng bước đi vào cuộc sống. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Hồ Minh Phương, qua 5 năm triển khai, thực hiện, có 170 mô hình được xây dựng. Trong đó, mô hình thi đua Dân vận khéo ở lĩnh vực kinh tế đã xây dựng được nhiều câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Toàn huyện hiện có 36 tổ kinh tế hợp tác về chăn nuôi bò, nuôi gà, nuôi cá, trồng chanh, trồng rau má, trồng khoai từ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, huyện thành lập 8 hợp tác xã về nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lúa thơm, trồng cây dược liệu, dịch vụ nông nghiệp, sản xuất chanh. Những mô hình sản xuất mới đã nâng cao chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định hơn và lợi nhuận tăng cao hơn so với bên ngoài.

Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao tại Đức Huệ mang lại hiệu quả tích cực

Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao tại Đức Huệ mang lại hiệu quả tích cực

Trong đó, nổi bật là các tổ hợp tác chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao ở các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Bắc, Mỹ Quý Đông, Mỹ Bình; Tổ chăn nuôi gà an toàn ở xã Mỹ Thạnh Đông, xã Mỹ Thạnh Bắc; Tổ hợp tác trồng rau má ở xã Bình Hòa Nam,...

Bên cạnh đó, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn huyện có 198 công trình phúc lợi xã hội được đầu tư thực hiện phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, đời sống ở cộng đồng dân cư từ nguồn vận động xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân với tổng kinh phí gần 300 tỉ đồng và hơn 2.200 ngày công lao động.

Điển hình như Chi bộ ấp 1, Đảng bộ xã Bình Hòa Nam đã vận động nhân dân đóng góp gần 5 tỉ đồng để xây dựng cầu nông thôn, nạo vét kênh, mương nội đồng, sửa chữa đường, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Hay như ông Nguyễn Văn Gắng - Bí thư Chi bộ ấp 2, Đảng bộ xã Mỹ Thạnh Đông, vận động mạnh thường quân và người dân tham gia đóng góp đầu tư, sửa chữa các công trình nông thôn trên địa bàn ấp, lắp camera an ninh và đèn đường với kinh phí trên 500 triệu đồng.

Từ các phong trào thi đua, người dân đã có nhiều đóng góp xây dựng các công trình giao thông nông thôn

Từ các phong trào thi đua, người dân đã có nhiều đóng góp xây dựng các công trình giao thông nông thôn

Còn ông Nguyễn Văn Tổng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Hòa Nam, vận động hội viên và người dân tham gia hiến 1.050m2 đất, trị giá gần 2 tỉ đồng làm đường giao thông nông thôn. Mặt khác, ông còn vận động xây 1 cây cầu, rải đá 13km đường với kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Qua 5 năm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện vận động hơn 5 tỉ đồng hỗ trợ, giúp đỡ trên 500 lượt học sinh khá, giỏi có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. MTTQ và các đoàn thể huyện thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 12 tỉ đồng.

Mặt khác, tại các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được các mô hình: Chung tay phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ hành chính ngoài giờ của UBMTTQ và bộ phận “một cửa” thị trấn Đông Thành; Trung tâm Hành chính công với mô hình Ân cần, lắng nghe, hướng dẫn, giải thích rõ ràng; Đoàn Thanh niên Công an huyện với mô hình Gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân;…

Là huyện biên giới, thời gian qua, Đức Huệ chú trọng thực hiện các phong trào, mô hình bảo vệ ANTT, đường biên, cột mốc. Trong quá trình sinh sống, làm ruộng tại địa bàn, người dân phát hiện những vấn đề gì nghi ngờ sẽ báo cho chính quyền, lực lượng chức năng để kịp thời giải quyết.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Hồ Minh Phương, hiệu quả từ các mô hình, phong trào thi đua đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Mặt khác, góp phần quan trọng vào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/duc-hue-lan-toa-phong-trao-thi-dua-hoc-tap-va-lam-theo-guong-bac-a117632.html