Đức hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ nạn nhân da cam
Nạn nhân da cam (NNDC) là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Họ đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng những cơn đau cả về thể xác và tinh thần. Song hành với họ chính là những người vợ, người mẹ âm thầm gánh chịu nỗi đau không kém dai dẳng suốt 30, 40, 50 năm, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa.
Bác Trịnh Thị Thuận ở phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn đã nuốt nỗi đau vào trong gắng sức làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ nạn nhân da cam trong suốt 25 năm qua.
Thật khó có thể cân đo, đong đếm hết nỗi đau của những người phải chứng kiến giọt máu của mình sinh ra với những hình hài, trí óc không trọn vẹn. Đáng nhẽ trong những căn nhà phải đầy ắp tiếng cười nhưng thay vào đó lại là tiếng đập phá, gào thét của NNDC. Đó là gia đình bác Hoàng Thị Hanh ở xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân), có chồng và 2 con là NNDC, con trai đầu Trần Ngọc Thảo, sinh năm 1973 bị tâm thần, con gái thứ 2 Trần Thị Tiến, sinh năm 1985 cũng mắc căn bệnh như anh trai. Suốt 35 năm qua, cháu Tiến không nhận biết mình đang có mặt trên đời, chỉ nhìn thấy bố mẹ, nhưng không gọi được. Ở huyện Thọ Xuân còn có một bà mẹ là giáo viên về hưu nuôi chồng và 2 con là NNDC bị tâm thần, câm, điếc đằng đẵng 30 năm. Nỗi đau không biết sẻ chia cùng ai khiến cô phát thốt lên bằng những vần thơ làm đắng nghẹn lòng người, trong bài thơ của cô có đoạn: “Gần 40 năm sao con chẳng nói/ Mẹ gọi con, con chẳng thèm nhìn/ Mẹ đau lòng và khóc suốt thâu đêm/ Mẹ hỏi vì sao? Con mình như vậy?...”.
Cùng chung nỗi đau da cam với bác Hanh là gia đình bác Đỗ Khánh Hòa - Bùi Thị Nhuần ở tiểu khu 5, thị trấn Hà Trung. Hai vợ chồng bác đều là chiến sĩ quân giải phóng từng tham gia ở chiến trường Quảng Trị và miền Đông Nam bộ. Hai người đều may mắn sống sót trở về quê hương, nên duyên vợ chồng. Gia đình có 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con đều là NNDC. Suốt 30 năm qua, hai bác vừa phải chống chọi với bệnh tật do chất độc da cam gây ra cho bản thân, vừa phải “gồng mình” để sống, chăm lo nâng đỡ, vệ sinh, bón cơm, bón cháo cho 3 con. Đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng 2 bác vẫn động viên nhau vượt lên tấn bi kịch gia đình.
Với dáng người nhỏ bé, sức khỏe yếu nhưng bác Trịnh Thị Thuận ở phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn), có chồng là NNDC Mai Hữu Lý nằm liệt suốt 10 năm, con trai là NNDC phải xích chân vào chân giường để không đập phá, nhưng bác Thuận vẫn kiên cường nén nỗi đau da cam suốt 25 năm qua để chăm sóc chồng con. Và cũng 25 năm ấy bác chưa một đêm nào được yên giấc bởi bệnh thần kinh của con ngày một nặng hơn. Nhiều bữa tắm rửa, thay quần áo cho con còn bị con vùng vẫy, xô ngã. Nỗi vất vả, cực nhọc tưởng như ngoài sức chịu đựng nhưng bác Thuận luôn tâm niệm “Phải cố sống để như cây gậy chống cho chồng, cho con tựa vững”.
Ở cái tuổi đáng nhẽ phải được hưởng sự an nhàn bên con cháu, nhưng suốt 40 năm qua bác Mai Thị Trí ở xã Phú Nhuận (huyện Như Thanh) lại chưa một đêm nào được ngủ ngon giấc. Trong căn nhà cấp 4, con trai độc nhất của bác là Trần Văn Cường bị câm, điếc, ngồi như một khúc gỗ suốt 40 năm ròng khiến viên gạch kê cho cháu ngồi đã trở nên nhẵn bóng. Trong căn nhà nhỏ bé ấy có 2 người đàn bà, một là mẹ NNDC Trần Văn Cường và em gái của bà không tìm được hạnh phúc cho riêng mình, về ở cùng chị. Chồng chị (bố của Cường) là người gốc Nghệ An, sau khi Cường ra đời, thấy con bị dị tật ông bỏ đi luôn mà chưa một ngày trở lại thăm vợ, con. Nỗi niềm mà bác Trí lo nhất là nếu mình chết đi thì ai sẽ là người chăm lo cho con và đứa em gái tội nghiệp.
Đằng đẵng hơn 40 năm qua, bác Đinh Thị Thành ở xã Xuân Dương (huyện Thường Xuân) có chồng là NNDC bị tai nạn cụt chân, 2 con là NNDC, 1 con bị tâm thần đã đưa vào trại, 1 con ở nhà bị câm điếc. Để chăm lo cho chồng, con, hằng ngày bác phải lam lũ đồng ruộng nuôi cả gia đình, tối về lại phải thức đêm xoa bóp cho chồng, con... ngần ấy năm trời nỗi đau da cam cứ đeo bám dày vò, giằng xé tâm can nhưng bác vẫn phải gắng gượng để sống.
Đất nước đã thống nhất từ lâu nhưng vẫn còn hàng vạn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị di chứng bởi chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Theo kết quả điều tra, tỉnh Thanh Hóa có 23.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đã có 3.700 NNDC chết trong đau đớn. Hiện còn 3.113 hộ gia đình có từ 2 NNDC trở lên, 1.670 hộ trong gia đình có cả 3 thế hệ là NNDC. Mỗi gia đình có nỗi đau riêng, nhưng những người vợ, người mẹ đã nén nỗi đau vào tim, bao dung, nhân hậu, dành hết sức lực, tình thương vô bờ bến suốt nhiều thập kỷ qua âm thầm chăm sóc chồng, con không một lời ta thán. Những tấm gương ấy, mảnh đời ấy rất cần sự hỗ trợ, quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để tiếp thêm sức mạnh, động lực, niềm tin cuộc sống, là chỗ dựa tin cậy để những NNDC tiếp tục vượt qua nỗi đau da cam.