Đức kêu gọi các nước không xâm phạm chủ quyền Syria
Phản ứng trước các cuộc tấn công liên tiếp của Israel vào lãnh thổ Syria, Chính phủ Đức đã kêu gọi Israel và các quốc gia láng giềng khác của Syria không xâm phạm chủ quyền của nước này trong giai đoạn đầy biến động hiện tại.
Phát biểu trên truyền thông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho rằng Israel và các bên khác liên tục khẳng định lợi ích an ninh của họ. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế cũng nêu rõ rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia là điều không được xâm phạm. Do đó những diễn biến ở Syria phải được chuyển hướng theo chiều hướng tốt hơn.
Từ khi nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào ngày 8/12, Israel đã ồ ạt mở rộng các cuộc tấn công vào quốc gia láng giềng này. Quân đội Israel xác nhận nước này đã phá hủy tới hơn 80% năng lực quân sự của Syria. Hành động của Israel bị nhiều quốc gia lên án.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ủy ban Điều tra LHQ về Syria (UNCIS) vừa đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, yêu cầu cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân đang gặp khó khăn.
Theo Chủ tịch UNCIS, ông Paulo Sérgio Pinheiro, các lệnh trừng phạt hiện hành đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người dân nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Syria. Ông nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái thiết đất nước và cải thiện cuộc sống của người dân.
Đồng thời, UNCIS cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Syria, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình nhân đạo đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do cuộc xung đột kéo dài.
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), cuộc xung đột gần đây đã buộc hơn 880.000 người Syria phải rời bỏ nhà cửa. Trong số đó, khoảng 6% là người khuyết tật.
Mặc dù tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, các cơ quan nhân đạo đã và đang nỗ lực cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, bao gồm thực phẩm, nước uống, chỗ ở tạm thời và chăm sóc y tế. Đặc biệt, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã triển khai các hoạt động sửa chữa đập Tishreen, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người dân trong khu vực.
Cuộc xung đột kéo dài nhiều năm đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội của Syria, khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh nghèo đói và thiếu thốn.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)