Đức không có kế hoạch hỗ trợ các khoản vay chung của EU
Một nguồn tin chính phủ Đức bác bỏ một báo cáo truyền thông nói rằng Thủ tướng Olaf Scholz đã ủng hộ phát hành nợ chung để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực.
Một nguồn tin chính phủ mới đây cho hay Đức không có kế hoạch hỗ trợ việc phát hành nợ chung của Liên minh châu Âu (EU), bác bỏ một báo cáo truyền thông nói rằng Thủ tướng Olaf Scholz đã ủng hộ phát hành nợ chung để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực.
Hội đồng Kinh tế Đức, tổ chức có liên kết với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập, cũng chỉ trích kế hoạch của EU, gọi nó là thiếu trách nhiệm trong bối cảnh lạm phát hiện nay.
Tổng thư ký Hội đồng, ông Wolfgang Steiger, hôm 11/10 cho biết các báo cáo về sự ủng hộ của riêng Đức đã gây ra những biến động đáng lo ngại trên thị trường tài chính.
Ông cảnh báo hiện tại đang diễn ra tình trạng đáng lo ngại về dòng vốn chảy khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tình trạng đó sẽ diễn biến tiêu cực hơn khi các khoản nợ ngày càng tăng và sự suy yếu tất yếu của ngân sách chính phủ trong tương lai.
Hồi đầu tháng 10, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên EU phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton đã kêu gọi thiết lập một khoản vay chung của 27 nước thành viên EU, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng đang có nguy cơ đẩy nền kinh tế của khối vào suy thoái.
Hai quan chức hàng đầu của Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định khoản vay mới này có thể dựa trên mô hình nợ chung trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ việc làm.
Hai quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh để thị trường nội khối bị chia rẽ, khi tạo ra cuộc đua về các gói hỗ trợ, cũng như gây hoài nghi về các nguyên tắc đoàn kết và thống nhất, vốn là nền tảng trong dự án của EU.
Đến ngày 7/10, Thủ tướng Scholz đã đề xuất tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU về việc sử dụng các khoản tiền còn lại trong quỹ phục hồi châu Âu - vốn được lập ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, cho nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại./.