Đức là một trong những đối tác ưu tiên của Nga cả về chính trị và kinh tế

Ngày 20/08, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga V.Putin đã hội hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel nhân chuyến thăm Nga mang tính chất chia tay của bà trên cương vị này.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ song phương Nga-Đức cũng như trao đổi về tình hình Afghanistan, Ukraine, trung chuyển khí đốt của Nga đến Châu Âu…Tổng thống V.Putin khẳng định, Đức là một trong những đối tác ưu tiên của Nga cả về chính trị và kinh tế.

Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc hội đàm. (Nguồn:kremlin.ru)

Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc hội đàm. (Nguồn:kremlin.ru)

Phát biểu tại cuộc hội đàm kéo dài gần 3 giờ tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh rằng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Đức A.Merkel đến Nga không chỉ là một chuyến thăm chia mà tay mà gồm nhiều nội dung nghiêm túc để thảo luận.

Theo ông, Berlin là một trong những đối tác chủ chốt của Moscow ở cả châu Âu và trên thế giới nói chung. Đức là đối tác kinh tế thương mại thứ hai của Nga sau Trung Quốc. Mặc dù thực tế là năm 2020 đã có một cuộc suy thoái khá nghiêm trọng, nhưng hiện nay kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng gần gấp đôi trong sáu tháng đầu năm. Ông lưu ý rằng, bất chấp dịch Covid-19, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, kim ngạch thương mại song phương tăng gần 33%, vượt 21 tỷ USD. Các khoản đầu tư vốn đối ứng đã gần chạm mốc 30 tỷ USD.

Tổng thống Putin khẳng định: “Tôi xin nhấn mạnh rằng Đức thực sự là một trong những đối tác ưu tiên của Nga cả về chính trị và kinh tế. Tất nhiên, quan điểm của chúng tôi không phải lúc nào cũng trùng khớp, nhưng đối thoại giữa chúng tôi rất thẳng thắn, có ý nghĩa, nhằm tìm ra những thỏa hiệp, giải quyết những vấn đề khó khăn nhất.”

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, Moscow và Berlin cần duy trì đối thoại bất chấp những khác biệt giữa hai bên. Bà nêu rõ hai bên có nhiều vấn đề cần trao đổi, trong đó có tình hình tại Afghanistan. Một trong những vấn đề được Thủ tướng Đức quan tâm thảo việc Nga tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine đến Châu Âu.

Đáp lại, tại cuộc họp báo về kết quả hội đàm, Tổng thống V.Putin cam kết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng sau năm 2024, chúng tôi sẵn sàng vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Nhưng chúng ta phải hiểu trong thời gian bao lâu, với khối lượng bao nhiêu. Và đối với điều này, chúng tôi phải nhận được câu trả lời, bao gồm cả từ các đối tác Châu Âu của chúng tôi, họ sẵn sàng mua bao nhiêu từ chúng tôi.”

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết, dự án Dòng chảy Phương bắc-2 gần như đã hoàn thành, chỉ còn 15 km đường trên biển. Hệ thống đường ống dẫn khí đốt này ngắn hơn 2.000 km so với đường ống qua lãnh thổ Ukraine và cho phép giảm 5 lần lượng khí thải trong quá trình vận chuyển khí đốt sang châu Âu.

Liên quan đến Ukraine, Tổng thống Putin đề nghị Thủ tướng Đức A.Merkel, người sẽ đến thăm Kiev vào ngày 22 tháng 8, gây ảnh hưởng đến phía Ukraine về việc hoàn thành tất cả các nghĩa vụ đã đảm nhận trước đó. Theo ông, Moscow có ấn tượng rằng giới lãnh đạo Ukraine "về nguyên tắc đã quyết định từ chối một giải pháp hòa bình cho tình hình" và thực tế sẽ không thực hiện các thỏa thuận Minsk. Thủ tướng Merkel thừa nhận rằng, định dạng Normandy không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng đây là định dạng chính trị duy nhất để thảo luận các vấn đề gây tranh cãi.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga V.Putin đã lần đầu bình luận về tình hình Afghanistan. Ông nhấn mạnh: "Phong trào Taliban kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ đất nước, bao gồm cả thủ đô. Đây là hiện thực. Giờ đây, điều quan trọng là phải ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập vào các quốc gia láng giềng, kể cả dưới chiêu bài tị nạn, và quá trình "thiết lập trật tự xã hội của Taliban" cần được cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ với vai trò điều phối của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ".

Từ thực tế tại Afghanistan, Tổng thống Putin tuyên bố: “Cần phải chấm dứt chính sách vô trách nhiệm áp đặt các giá trị bên ngoài của ai đó, mong muốn xây dựng nền dân chủ ở các nước khác theo “khuôn mẫu” của người khác, không tính đến đặc điểm lịch sử, quốc gia hay tôn giáo, hoàn toàn bỏ qua các truyền thống mà các dân tộc khác sinh sống. Bất kỳ "thí nghiệm" chính trị xã hội nào như vậy chưa bao giờ đạt được thành công và chỉ dẫn đến sự hủy diệt của các quốc gia, sự suy thoái của hệ thống chính trị và xã hội của họ”./.

Anh Tú/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/duc-la-mot-trong-nhung-doi-tac-uu-tien-cua-nga-ca-ve-chinh-tri-va-kinh-te-884381.vov