Đức nói Vua Thái Lan không nên cai trị từ xa
Ngoại trưởng Đức vừa nói rằng Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn không nên tiến hành các hoạt động chính trị từ một nước châu Âu, nơi ông đang dành phần lớn thời gian sinh sống.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói như vậy để trả lời câu hỏi của một thành viên quốc hội, vào thời điểm hoàng gia của Nhà vua Vajiralongkorn đang đối mặt với lời kêu gọi cải cách từ phong trào biểu tình ở Thái Lan.
Tại Quốc hội Đức, thành viên đảng Xanh Schmidt đặt câu hỏi: “Vì sao chính phủ Đức cho phép hành vi bất thường – theo tôi là trái pháp luật – của một nguyên thủ nước ngoài khi làm chính trị trên đất của Đức?
“Chúng tôi đã khẳng định rõ ràng rằng những vấn đề chính trị của Thái Lan không nên được thực hiện từ đất của Đức”, Ngoại trưởng Maas cho biết.
“Nếu có những vị khách ở nước ta tiến hành các công việc nhà nước từ đất của chúng ta, chúng tôi luôn muốn hành động để thay đổi điều đó”, ông Maas nói.
Hàng ngàn người tiến hành biểu tình ở Bangkok trong vài tháng gần đây để kêu gọi cải tổ hoàng gia nhằm giảm bớt quyền lực của Nhà vua, đòi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha từ chức, viết hiến pháp mới và tổ chức bầu cử.
Nghị sĩ đảng Xanh Frithjof Schmidt cũng hỏi ông Maas rằng liệu Đức có chuẩn bị để thỏa luận với EU về việc dừng đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Thái Lan hay không”.
EU dừng tiếp xúc ở tất cả các cấp với Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, nhưng nối lại đàm phán sau cuộc tổng tuyển cử vào năm ngoái.
Ông Maas nói rằng dừng đàm phán là “một lựa chọn” để tạo sức ép, nhưng điều đúng đắn là phải thảo luận với Thái Lan trước.
Nhà Vua Vajiralongkorn, 68 tuổi, lên ngôi từ năm 2016, nhưng dành phần lớn thời gian ở Bavaria, nơi cậu con trai 15 tuổi của ông đang học.
Lực lượng biểu tình Thái Lan phàn nàn về chi phí để Nhà vua của họ sinh sống ở châu Âu cũng như việc ông vắng mặt ở hoàng cung.
Những người biểu tình cũng muốn giảm quyền lực của nhà vua trong hiến pháp, văn bản cho phép ông thực hiện quyền lực từ bên ngoài Thái Lan mà không cần chỉ định nhiếp chính.
Người biểu tình cũng muốn tước bỏ của nhà vua quyền kiểm soát tài sản của hoàng gia trị giá hàng chục tỉ đô la và kiểm soát một số đơn vị quân đội.
Ngày 8/10, người biểu tình Thái Lan cho biết họ sẽ tiếp tục tập trung vào thứ 4 tuần sau để đòi chính phủ từ chức và cải cách hoàng gia.
Hoàng gia Thái Lan chưa đưa ra bình luận nào về phong trào biểu tình.