Đức phản đối cử huấn luyện viên quân sự đến Ukraine

Theo tờ Welt am Sonntag của Đức, Berlin sẽ không ủng hộ đề xuất của Pháp về việc cử huấn luyện viên quân sự phương Tây đến Ukraine để hỗ trợ quân đội quốc gia này trong thời điểm xung đột.

Các báo cáo trước đó tiết lộ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực thành lập một liên minh sẵn sàng triển khai các chuyên gia quân sự tham gia huấn luyện quân đội Ukraine trên thực địa. Ông chủ Điện Elysee từng đề cập đến vấn đề này tại một cuộc họp báo ngày 7-6, đồng thời cho biết, một số quốc gia đã đồng ý tham gia kế hoạch.

Binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters.

Thông tin từ tờ Welt am Sonntag cho thấy, Tham mưu trưởng Quân đội Pháp Thierry Burkhard đã gửi thư mời một số đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia nhiệm vụ huấn luyện ở Ukraine. Bức thư được cho là đã gửi tới Mỹ và khoảng 10 quốc gia châu Âu, bao gồm Anh, Ba Lan, Hà Lan, các nước vùng Baltic, Đan Mạch và Thụy Điển.

Tuy nhiên, Đức không nhận được thư mời. Trong các cuộc đàm phán gần đây tại Brussels (Bỉ), Berlin đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng quân nhân Đức sẽ không tham gia một nhiệm vụ nào tại Ukraine. Chính phủ Đức cùng Italia và Tây Ban Nha lo ngại, việc huấn luyện quân đội Ukraine trên thực địa có thể khiến xung đột leo thang và đẩy phương Tây vào thế đối đầu trực tiếp với Nga.

Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra ý tưởng triển khai lực lượng tới Ukraine hồi tháng 2 nhưng vấp phải phản ứng từ hầu hết các đồng minh NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần phản đối kế hoạch này, cũng như mọi động thái có thể khiến NATO hoặc Đức trở thành một bên tham chiến trong xung đột.

Mỹ cũng được cho là đã bác bỏ ý tưởng điều động huấn luyện viên quân sự đến Ukraine. Theo một báo cáo của Politico, Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại, lực lượng NATO tại Ukraine, ngay cả với tư cách là huấn luyện viên quân sự, vẫn có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby xác nhận, Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nhấn mạnh “sẽ không có sự xuất hiện của Mỹ trên thực địa trong xung đột Ukraine”.

Nga từ lâu đã lên án phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev và cảnh báo không gửi quân nhân nước ngoài tới Ukraine vì lực lượng này sẽ được coi là mục tiêu tấn công hợp pháp.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo, phương Tây đã tiến rất gần một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, chính trị gia kỳ cựu nhận định vẫn còn cơ hội để ngăn chặn kịch bản này.

“Sẽ có lệnh ngừng bắn trong vòng 24 giờ nếu các nhà lãnh đạo châu Âu muốn hòa bình ngày hôm nay”, Russia Today dẫn tuyên bố của Thủ tướng Viktor Orban.

Thủ tướng Viktor Orban cũng cho rằng, cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình sẽ lớn hơn nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay. Hồi tháng 7-2023, cựu Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Ukraine chỉ trong 24 giờ.

Cũng theo Thủ tướng Viktor Orban, Hungary nên hạn chế tham gia bất kỳ hành động tiềm tàng nào của NATO ở Ukraine và lập luận rằng tổ chức này được thành lập với mục đích bảo vệ các quốc gia thành viên thay vì tiến hành chiến tranh bên ngoài lãnh thổ của mình.

Hungary đã liên tục chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với xung đột Ukraine, phản đối việc NATO viện trợ quân sự cho Kiev và trừng phạt Nga. Thay vào đó, Budapest kêu gọi ngừng bắn và thực hiện giải pháp ngoại giao.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/duc-phan-doi-cu-huan-luyen-vien-quan-su-den-ukraine-668856.html