Đức - Pháp bất đồng xoay quanh cuộc chiến Ukraine
Một thất bại mới trong quan hệ Pháp-Đức: Ngày 19/10, Paris và Berlin thông báo hoãn họp Hội đồng Pháp-Đức tới đầu năm sau, thay vì dự kiến diễn ra vào ngày 26/10 tại Fontainebleau. Đây là một dấu hiệu nữa của cuộc cãi vã đã âm ỉ trong nhiều tháng qua giữa hai thanh viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU).
Hội đồng Pháp-Đức họp mỗi năm 1 hoặc 2 lần, luân phiên tại Pháp và Đức. Cuộc họp này quy tụ Tổng thống và Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Đức và tất cả hoặc một phần của chính phủ hai nước. Paris đã cố gắng giảm thiểu tầm quan trọng của sự trì hoãn này và đổ lỗi cho các vấn đề về thời gian biểu, các bộ trưởng đi nghỉ. Mặt khác, ở Berlin, Thủ tướng Đức cho rằng cuộc họp bị hoãn là hai bên chưa đạt được thỏa thuận về các chủ đề thiết yếu. Nhưng, theo một số nguồn tin, thực sự là những điểm xích mích giữa Paris và Berlin, vốn đã tích tụ liên quan đến những biến động của cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến việc hoãn lại này.
Jacques-Pierre Gougeon, chuyên gia Iris, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Paris, giải mã: “Luôn có những giai đoạn bất đồng nhưng hiện nay sự bất hòa còn nghiêm trọng hơn”. Các vấn đề được đưa ra cho cuộc khủng hoảng năng lượng, cho hợp tác quân sự, cho các dự án vũ khí chung đã bộc lộ những bất đồng giữa hai nước.
Giới hạn giá khí đốt châu Âu
Sự khó chịu đã gia tăng trong những tháng gần đây khi mỗi trong số hai nhà lãnh đạo phải vật lộn với tình hình khó khăn ở đất nước của mình. Lần đầu tiên vào giữa tháng 10, Pháp bắt đầu gửi khí đốt trực tiếp đến Đức. Nhưng, đằng sau biểu tượng đoàn kết mạnh mẽ này là một cuộc tranh cãi ở quy mô châu Âu về việc giới hạn giá khí đốt, tức áp mức trần với giá khi đốt nhập khẩu.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt sử dụng nhiều năng lượng, phản đối cơ chế này vì lo ngại rằng những người bán khí đốt sẽ quay sang các thị trường khác nếu EU áp đặt mức giá trần cho sản phẩm của họ. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron, giống như 14 quốc gia thành viên EU khác, ủng hộ việc này.
Tình hình năng lượng làm gia tăng căng thẳng khác giữa hai nước, chẳng hạn như Đức đã không ngần ngại vào tháng 9-2022 tố cáo rằng Pháp nhờ có nhiều nhà máy điện hạt nhân nên không lo thiếu điện, trong khi điều kiện này ở Đức không có, buộc Berlin phải bù đắp cho sự thiếu hụt điện từ các nhà máy điện khí đốt.
Bất hòa về đường ống dẫn khí mới
Madrid và Berlin, được hỗ trợ bởi Lisbon và các nước Trung Âu, đang vận động để khởi động lại một dự án đường ống dẫn khí đốt nối Tây Ban Nha với Đức. Được gọi là MidCat, được khởi xướng vào năm 2013, dự án này đã bị dừng vào năm 2019 do tác động môi trường và lợi ích kinh tế khi đó bị coi là hạn chế. Đường ống dẫn khí đốt này có thể giúp vận chuyển khí đốt, dưới dạng LNG từ Mỹ hoặc Qatar, thậm chí là “hydro xanh” tới châu Âu.
Nhưng, Tổng thống Macron cho rằng: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại “đào lại” chủ đề này để giải thích rằng nó sẽ giải quyết được vấn đề khí đốt”. Bên ngoài nói là vì lý do môi trường nhưng thực ra, Pháp cũng muốn bán khí đốt cho Đức.
Đức đơn độc ở châu Âu
Thời kỳ mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhau vẽ nên vào tháng 5 năm 2020, một kế hoạch phục hồi cho châu Âu, bị COVID-19 làm tê liệt, dường như đã kết thúc.
Bằng chứng là kế hoạch 200 tỷ euro được tân Thủ tướng Đức Scholz công bố vào cuối tháng 9 để trợ giá năng lượng tăng vọt. Kế hoạch ít có tiền lệ này của Đức đã gây khó chịu cho các đối tác châu Âu. Pháp có cảm giác bị Đức “bỏ lơ” với kế hoạch này mặc dù lãnh đạo hai nước thường xuyên có những cuộc tiếp xúc.
Các nước EU lo ngại rằng hành động đơn lẻ này sẽ tiếp tục chia cắt một châu Âu ra làm nhiều mảnh. Họ cũng không mấy thích thú với những cuộc nói chuyện đôi co của người Đức: Ủng hộ sự thắt lưng buộc bụng ở Brussels và phản đối các khoản nợ chung, trong khi tiêu xài hoang phí ở trong nước.
Về phần mình, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh rằng kế hoạch của ông được lấy cảm hứng từ các hệ thống khác đang có hiệu lực ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, nơi nhà nước tài trợ giới hạn giá năng lượng.
Lá chắn tên lửa
Đây là một cái gai gần đây trong mối quan hệ Pháp-Đức. Ông Olaf Scholz đã thông báo vào mùa hè này rằng Đức sẽ trang bị cho EU một lá chắn chống tên lửa và phòng không.
“Lá chắn bầu trời châu Âu” trong tương lai này từ đó đã chinh phục được 14 quốc gia NATO, bao gồm Vương quốc Anh, các nước Baltic và thậm chí cả Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy. Nhưng, nếu dự án này khơi dậy sự nhiệt tình của Liên minh Bắc Đại Tây Dương thì nó lại không làm hài lòng Điện Elyseé, vì các cố vấn của Tổng thống Pháp lo lắng về khả năng “tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu”. Pháp muốn tiếp tục dựa vào hệ thống phòng không tầm trung MAMBA của mình.
Máy bay chiến đấu châu Âu
Đây là vấn đề đau đầu nhất trong quan hệ Pháp-Đức: Hệ thống không chiến của tương lai (Scaf), đặc biệt được khởi xướng bởi Paris và Berlin, đã bị đình trệ từ một năm qua. Dự án chế tạo máy bay này khởi động vào năm 2017, được cho là sẽ thay thế máy bay Rafale của Pháp và Eurofighter của Đức - Tây Ban Nha vào năm 2040, là nạn nhân của những tranh chấp về việc chia sẻ nhiệm vụ giữa Paris, Berlin và Madrid. Các hợp đồng vẫn chưa được ký kết do thiếu sự thống nhất giữa Công ty Dassault Aviation của Pháp và đối tác chính là Airbus, đại diện cho lợi ích của Đức và Tây Ban Nha. “Về mặt chính trị, chúng tôi đồng ý, nhưng nó bị mắc kẹt ở cấp độ kinh doanh. Dassault sợ mất vị thế của mình trên thị trường”, một quan chức Pháp thổ lộ.
Chính phủ Pháp một lần nữa đảm bảo vào tháng 9 vừa qua rằng chiếc máy bay này “sẽ được chế tạo” nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Thêm vào đó, một trong những lý do khiến Pháp và Đức không cùng nhịp là khía cạnh cá nhân giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, theo ông Gougeon: “Họ có tính khí rất khác nhau, không cùng nền tảng chính trị. Ông Olaf Scholz ít giao tiếp hơn các đối tác của mình trong Liên minh châu Âu”.
Nhìn rộng ra, trong Liên minh châu Âu hiện nay đang có rất nhiều vấn đề, thành viên xích mích với nhau, đặc biệt nổ ra khi cuộc chiến Ukraine.
Cuộc chiến này kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn châu Âu. Một số thành viên như Hungary ủng hộ Nga trong khi nhiều thành viên khác muốn gia tăng trừng phạt năng lượng của Nga. Hậu quả là sau nhiều vòng trừng phạt, giá năng lượng tại châu Âu đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng người dân xuống đường biểu tình.