Đức phê duyệt dự án đường hầm vượt biển dài nhất thế giới
Đường hầm sẽ băng qua Biển Baltic và kết nối khu vực cảng Puttgarden trên đảo Fehmarn của Đức với thị trấn Rodby trên đảo Lolland của Đan Mạch.
Phóng viên TTXVN tại Đức đưa tin, ngày 3/11, tòa án thành phố Leipzig thuộc bang Sachsen của Đức đã phê duyệt dự án xây dựng đường hầm vượt biển kết hợp đường sắt và đường bộ dài nhất thế giới nối từ khu vực miền Bắc nước này đến Đan Mạch.
Theo Giám đốc điều hành dự án Claus Baunkjaer, sự chấp thuận mang tính pháp lý của Đức được xem là "một cột mốc lịch sử". Ông Baunkjaer cho biết đường hầm này có tên chính thức là Fehmarnbelt Fixed Link, với chiều dài 18km.
Là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu, đường hầm này sẽ băng qua Biển Baltic và kết nối khu vực cảng Puttgarden trên đảo Fehmarn của Đức với thị trấn Rodby trên đảo Lolland của Đan Mạch.
Nếu hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2029 theo kế hoạch, đường hầm này sẽ giúp giảm thời gian di chuyển quãng đường nối hai khu vực trên bằng đường bộ xuống còn 10 phút, nhanh hơn nhiều so với di chuyển bằng phà mất khoảng 1 giờ.
Với chi phí ước tính khoảng 7,1 tỷ euro, đường hầm bao gồm hai phần đường dành cho ôtô với mỗi bên hai làn được ngăn cách bằng một lối đi cho người đi bộ và hai đường ray. Dự án sẽ do Đan Mạch phụ trách xây dựng và chi trả cùng với nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Claus Baunkjaer cho biết, không giống như các đường hầm dưới biển khác như đường hầm Channel dưới eo biển Anh, đường hầm nối giữa Đức và Đan Mạch sẽ không nằm dưới đáy biển.
Thay vào đó, đường hầm sử dụng các phần bê tông rỗng được nhấn chìm và đặt trong một rãnh đào xuống đáy biển Baltic. Mặc dù ý tưởng xây dựng một đường hầm qua Vành đai Fehmarn nối giữa Đức và Đan Mạch đã được khởi xướng cách đây gần 30 năm, nhưng khi phía Đan Mạch bắt đầu xây dựng dự án thì công việc phía Đức đã bị đình trệ do những trở ngại pháp lý.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức và nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã đưa ra những lo ngại về tác động của dự án đối với môi trường và hệ sinh thái, đặc biệt là đối với các rạn san hô và cá heo.
Mặc dù tòa án hành chính liên bang ở Leipzig đã bác bỏ lập luận và khiếu nại của những tổ chức và cá nhân này, song Tòa án Công lý châu Âu có trụ sở tại Luxemboug vẫn đang cân nhắc các khiếu nại khác liên quan đến dự án./.