Đức quan ngại việc thiếu tiển triển trong đàm phán thương mại giữa EU và Anh

Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Đức Jörg Kukies ngày 30/10 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost tới dự vòng đàm phán thứ 7 ở Brussels, Bỉ ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost tới dự vòng đàm phán thứ 7 ở Brussels, Bỉ ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Đức Jörg Kukies ngày 30/10 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh, do sự phụ thuộc nặng nề của các công ty Đức vào nguồn vốn từ trung tâm tài chính London.

London là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, nhưng phần lớn phải đối mặt với việc bị tách khỏi EU khi các thỏa thuận chuyển tiếp hậu Brexit hết hạn vào cuối năm nay.

Anh và EU đã bước vào giai đoạn đàm phán sâu rộng về một thỏa thuận thương mại tự do, trong khi việc tiếp cận của EU đối với các công ty tài chính ở Anh đang được Brussels giải quyết riêng rẽ.

Trong bối cảnh đó, ông Kukies cho rằng do các công ty Đức phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn huy động từ London, nên EU cần "duy trì chủ nghĩa thực dụng" trong quan hệ với Anh. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại khi tiến trình đàm phán thiếu tiến triển hiện nay.

Hiện EU đang thúc đẩy hoàn thiện Liên minh thị trường vốn (CMU) nhằm giảm sự phụ thuộc vào London và giúp tài trợ phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đức - quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu vào tháng 12 tới sẽ nhất trí về một kế hoạch rõ ràng để triển khai các biện pháp mới trong khuôn khổ CMU, trong đó có việc ưu tiên khuyến khích các khoản đầu tư dài hạn bằng cách sửa đổi các quy định về vốn cho các công ty bảo hiểm.

Anh rời EU vào tháng 1 và bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Hiện hai bên đang nỗ lực ký kết một thỏa thuận thương mại tự do nhằm kiểm soát kim ngạch song phương (trị giá gần 1.000 tỷ USD mỗi năm) trước ngày 31/12 năm nay, thời hạn đánh dấu kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại, tuy nhiên điều này cũng sẽ dẫn đến những rối loạn, ảnh hưởng đến các công ty và chuỗi kinh doanh ở cả EU và Anh./.

Mạnh Hùng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/duc-quan-ngai-viec-thieu-tien-trien-trong-dam-phan-thuong-mai-giua-eu-va-anh/176381.html