Đức quyết tâm bảo vệ dự án 'Dòng chảy phương Bắc 2'

Đức đang ra sức bảo vệ dự án đường ống dẫn khí đốt 'Dòng chảy phương Bắc 2' (Nord Stream 2) sau khi Nghị viện châu Âu (EP) ra nghị quyết yêu cầu ngừng hoàn thiện dự án này.

Theo TASS, tại một cuộc họp ngày 22-1, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh, không có gì thay đổi trong lập trường của Đức liên quan đến dự án trên mà thủ tướng nước này đã tuyên bố mới đây. Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định không chấp nhận các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2”. Thủ tướng Đức nhấn mạnh, đây là một dự án kinh tế và nó cần được hoàn thành.

Tuyên bố này của Chính phủ Đức được đưa ra không lâu sau khi ngày 21-1 vừa qua, EP ra nghị quyết yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức ngừng thực hiện dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” để đáp trả vụ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny bị bắt giữ tại Nga.

Tuy nhiên, ngay cả khi nghị quyết trên được EP thông qua, các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ không được tự động áp đặt vì cần sự phê chuẩn của 27 quốc gia thành viên EU. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nói rằng, EU không thể cản trở việc thực hiện dự án này vì đây là sáng kiến của các công ty tư nhân. Ông Borrell lưu ý, “Dòng chảy phương Bắc 2” không loại trừ và không đe dọa nguyện vọng đa dạng hóa nguồn năng lượng của EU.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” được kỳ vọng giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng cao ở châu Âu. Ảnh: RIA Novosti

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” được kỳ vọng giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng cao ở châu Âu. Ảnh: RIA Novosti

“Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hợp tác với tổng số tiền đầu tư lên tới 11 tỷ USD giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu là Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall Dea để đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới châu Âu. Trong đó, 50% kinh phí do Gazprom cung cấp, số tiền còn lại chia đều cho các công ty châu Âu. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, hai đường ống dẫn khí đốt của dự án sẽ có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án đã đạt 97%.

Khi đi đến giai đoạn hoàn thiện, “Dòng chảy phương Bắc 2” liên tục đối mặt với những rào cản. Trong những ngày cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dự án này. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế phương Đông của Đức (OA) Oliver Hermes đang kỳ vọng, Chính phủ Đức sẽ cùng với chính quyền mới của Mỹ tìm được giải pháp giúp nhanh chóng hoàn tất dự án và đưa vào vận hành.

Lâu nay, việc thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại châu Âu. Một số quốc gia lo ngại dự án này làm tăng sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên vẫn trong trạng thái căng thẳng kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức, Chủ tịch Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Đức Armin Laschet đã lên tiếng phản đối nghị quyết mới đây của EP. Ông Armin Laschet nhận định, những lập luận cho rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” tổn hại đến lợi ích của châu Âu là không có cơ sở, bởi vì Chính phủ Đức đã xem xét tất cả lợi ích của “lục địa già” từ trước.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án kế tiếp của dự án “Dòng chảy phương Bắc”, bắt đầu hoạt động từ năm 2012. Sputnik dẫn thông báo mới đây của nhà điều hành dự án “Dòng chảy phương Bắc” cho biết, trong năm 2020 đã có tới 59,2 tỷ mét khối khí đốt được chuyển đến người tiêu dùng châu Âu thông qua dự án này. Thông tin này cho thấy hiệu quả của dự án “Dòng chảy phương Bắc” cũng như là minh chứng thuyết phục về lợi ích của dự án đối với nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân tại châu Âu. Bởi vậy, Chính phủ Đức mới coi trọng và quyết tâm bảo vệ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, nhất là trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân ở nước này đang dần đóng cửa.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/duc-quyet-tam-bao-ve-du-an-dong-chay-phuong-bac-2-649978