Đức tăng cường mở rộng mạng lưới sạc ô tô điện
Theo hãng AP, Đức đang mở rộng hệ thống sạc xe điện khắp cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu cao trong thời gian tới.
Chính phủ Đức đã chi khoảng 6,3 tỷ euro ( tương đương với 6,17 tỷ USD) để phát triển hạ tầng cho xe ô tô điện trong 3 năm tới với hy vọng nhiều tài xế sẽ lựa chọn những loại xe thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing ngày 19/10 đã trình bày kế hoạch tổng thể nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng sạc điện. Kế hoạch này đã được nội các của chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz phê duyệt trước đó.
"Chúng ta sẽ nỗ lực để biến hành động này thành chương trình đi đầu trên thế giới. Điều quan trọng là những gì chúng ta đang chuẩn bị sẽ thành công tốt đẹp. Đức cần phải mở rộng cơ sở hạ tầng sạc điện ở cả nước trong tương lai để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo thân thiện đối với người sử dụng", ông Volker Wissing nhấn mạnh.
Theo số liệu của Văn phòng liên bang Đức về xe cơ giới, thị phần xe điện ở Đức đã tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Giao thông cho biết hiện có khoảng 70.000 điểm sạc cả nước nhưng chỉ có 11.000 điểm trong số đó là sạc nhanh.
Điều này không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại và Đức có khả năng sẽ thiếu trạm sạc trong bối cảnh số lượng xe điện ngày càng tăng mạnh. Bên cạnh đó cũng có sự khác biệt lớn về tính khả dụng của các điểm sạc giữa những thành phố lớn và các khu vực nông thôn - nơi tài xế khó có thể tìm thấy một điểm sạc xe ô tô điện.
Mục tiêu của Chính phủ Đức là cung cấp khoảng 1 triệu điểm sạc trên cả nước và có thể sử dụng rộng rãi vào năm 2030. Các chủ sở hữu tư nhân ô tô điện cũng có thể đề xuất các kế hoạch trợ giá để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà để sạc ô tô qua đêm.
"Việc sạc điện cũng được đánh giá là thân thiện hơn với người dùng thông qua các biển báo kỹ thuật số mới cho biết người lái có thể sạc xe trên đường hoặc kiểm tra trực tuyến nhu cầu tại các điểm sạc khác nhau", ông Volker Wissing cho biết.
Tăng cường mạng lưới sạc điện toàn quốc
Một vấn đề khác mà chính phủ yêu cầu là thiết lập mạng lưới điện mở rộng trên khắp nước để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người dùng gia tăng khi ngày càng có nhiều tài xế muốn chuyển sang sử dụng ô tô điện.
"Chúng ta đang kỳ vọng nhiều tài xế đăng ký sử dụng xe điện tăng theo cấp số nhân trong vài năm tới và phải chuẩn bị cho xu thế tất yếu này", Bộ trưởng nói thêm.
Việc người Đức chuyển từ xe xăng dầu sang ô tô điện khẳng định vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải trước mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của chính phủ Đức và cam kết sử dụng năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi sang ô tô điện cũng một phần là do sự tác động từ các vấn đề pháp lý, thuế, cải thiện tình trạng pin và một loạt các phương tiện cần phải mua.
Nhìn chung, Châu Âu đang dẫn đầu trong chương trình thúc đẩy xe điện trở thành xu hướng phổ biến và kỳ vọng sẽ loại bỏ ô tô sử dụng năng lượng đến năm 2035. Các chính sách ưu đãi của EU được coi là động lực chính cho sự bùng nổ này. Tháng 7/2021, Ủy ban châu Âu đề xuất từ nay đến năm 2035, EU sẽ cấm bán mới các loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel. Nhiều chương trình ưu đãi thuế cho người mua cũng đã được triển khai.
Cuộc chạy đua trên thị trường xe điện tại châu Âu đã bùng nổ mạnh mẽ trong năm nay với sự tăng tốc của Tesla. Lợi nhuận trong Quý đầu tiên của Tesla năm 2022 vượt qua các dự báo của Phố Wall trước đó. Elon Musk đã chính thức khai trương cơ sở sản xuất của Tesla ở châu Âu (nhà máy Giga Berlin). Với trị giá 5,5 tỷ Euro, siêu nhà máy của Tesla tại Brandenburg là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử hiện đại của ngành sản xuất ô tô Đức. Tesla kỳ vọng nhà máy mới sẽ giúp hãng giành lại ưu thế tại châu Âu - nơi Tesla chỉ nắm giữ 13% thị phần. Động thái của Tesla đã hâm nóng cuộc chạy đua xe điện hiện nay trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tính sẵn có của các điểm sạc điện là vấn đề lớn không chỉ ở Đức mà hầu hết ở khắp nơi trên thế giới. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết, không chỉ thiếu số lượng các điểm sạc điện dọc theo mạng lưới đường bộ ở hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu mà còn không đủ các điểm sạc nhanh. Hay như Bộ trưởng Đức nhấn mạnh, việc chuyển đổi sử dụng xe điện sẽ chỉ được chấp nhận nếu việc sạc điện có thể dễ dàng và linh hoạt như sử dụng nhiên liệu ngày nay./.